Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong
Theo Quyết định, Khu kinh tế Vân Phong có diện tích 150.000 ha, trong đó diện tích phần mặt nước khoảng 80.000 ha, phần đất liền và đảo khoảng 70.000 ha thuộc 2 huyện: Vạn Ninh và Ninh Hòa.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.Xây dựng Khu kinh tế Vân Phong theo mô hình phát triển thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến; nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển.Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó, kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.Đến năm 2050, đưa Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động, thông minh, bền vững, bản sắc, có sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là khu vực đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao và hạnh phúc; là một khu kinh tế có tính cạnh tranh cao.
Giá bất động sản đang trong xu hướng tăng
Thông tin về thị trường bất động sản quý I/2022, Bộ Xây dựng cho biết, giá bán bất động sản bình quân toàn thị trường đều có xu hướng tăng.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã triển khai khảo sát, thu thập thông tin dữ liệu, xác định mức độ biến động giá giao dịch một số loại bất động sản trong tháng 3/2022 và quý I/2022 tại 8 địa phương gồm: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kết quả, trong tháng 3 vừa qua, giá giao dịch bất động sản để bán bình quân toàn thị trường đều có xu hướng tăng. Một số loại hình bất động sản tại một số địa phương tăng giá khá cao so với tháng trước. Riêng giá căn hộ chung cư cho thuê tại Đà Nẵng có mức tăng tương đối tốt so với tháng trước.
Giá bất động sản cho thuê tại Hà Nội và TP. HCM cũng tăng nhẹ so với tháng liền trước. Cụ thể, chỉ số giá bất động sản trong tháng 3 (so với tháng 2/2022) như sau: Tại Hà Nội, căn hộ chung cư tăng 1,53%; nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tại TP. HCM, căn hộ chung cư tăng 2,48%; nhà ở riêng lẻ tăng 2%; đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 3,6%.
Bộ Xây dựng cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay đã có 7 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp được khởi công xây dựng với tổng quy mô khoảng 23.965 căn hộ. Trong đó, có 5 dự án nhà ở xã hội gồm 20.765 căn hộ (Bình Dương 4 dự án với 20.000 căn hộ, Kiên Giang môt dự án với 765 căn hộ); 2 dự án nhà ở công nhân với tổng số 3.200 căn hộ (Quảng Ninh một dự án với 1.000 căn, Bắc Ninh một dự án với 2.200 căn).
Đánh thức tiềm năng khu vực Tây Bắc TP.HCM
Địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi, trong đó, khu đô thị Tây Bắc được định hướng là một cực tăng trưởng quan trọng phía Bắc TP.HCM. Theo các chuyên gia đầu tư phát triển hai địa bàn này rất cần thiết và có nhiều triển vọng. Đánh thức đúng lúc tiềm năng không chỉ giúp cho Củ Chi và Hóc Môn phát triển, mà còn cho cả TP và các vùng phụ cận. Những tiềm năng này đang được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam, doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Nhật Bản cho biết, công ty ông dự kiến sẽ phát triển nhiều mô hình kinh doanh tại 2 huyện này của TP.HCM. Sau khi có thông tin về thị trường và nhu cầu của 2 địa phương, doanh nghiệp sẽ có những chiến lược đầu tư, kinh doanh phù hợp.
“Tại Hóc Môn, Củ Chi sẽ có AEON Mall và AEON Việt Nam cùng đồng hành. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phát triển nhiều mô hình kinh doanh. Trước mắt sẽ phát triển một số trung tâm thương mại lớn, cùng một số siêu thị vừa và nhỏ. Hiện chúng tôi đang chờ thông tin từ 2 địa phương và đang làm việc về vấn đề quỹ đất” - ông Furusawa Yasuyuki nói.
Trong tương lai, tại Hóc Môn, Củ Chi sẽ có các dự án trung tâm tài chính, dịch vụ, công nghiệp, nghiên cứu khoa học nông nghiệp, y tế, giáo dục, thể thao, khu dân cư được thiết kế bài bản. Khu vực này có nhiều điểm mạnh là nằm ở cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM, quỹ đất còn rất nhiều, có các tuyến tỉnh lộ 7, 8, 9, Quốc lộ 22 kết nối các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh, sắp tới còn có cao tốc TP.HCM- Mộc Bài, đường vành đai 3, 4 đồng bộ. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, thời điểm này hạ tầng giao thông tại Củ Chi, Hóc Môn vẫn còn hạn chế như các tỉnh lộ chưa được mở rộng, nhiều khu quy hoạch treo, nhiều dự án bỏ hoang và đô thị chưa xứng tầm.
Các dự án vừa được cam kết đầu tư đã mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, giúp huyện Củ Chi và Hóc Môn có thêm nguồn lực trong kế hoạch mở rộng không gian phát triển một cách cân bằng, thu hút đầu tư vào kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao… TP.HCM kêu gọi đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào 2 huyện này để đánh thức vùng đất giàu tiềm năng kinh tế, khai thác đúng mức và bền vững, đóng góp cho sự tăng trưởng chung và cải thiện đáng kể điều kiện sống cho người dân.
TP Cam Ranh sẽ có thêm 2.700 ha đất ở và thương mại du lịch
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Anh Tuấn mới đây quyết định phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của TP Cam Ranh.
Theo đó, tổng diện tích đất tự nhiên TP Cam Ranh hiện khoảng 32.700 ha, dự kiến đến năm 2030 tăng lên 33.766 ha.
Địa phương có đất trồng lúa giảm 250 ha; đất cây hàng năm giảm 2.016 ha; đất cây lâu năm giảm 820 ha; đất nuôi trồng thủy sản và làm muối giảm đến 1.200 ha.
TP Cam Ranh đến năm 2030 có đất phi nông nghiệp tăng 7.288 ha, từ 12.428 ha lên 19.716 ha. Cụ thể, đất khu công nghiệp và cụm công nghiệp tăng từ 26 ha lên 430 ha; đất thương mại dịch vụ tăng từ 371 ha lên 1.465 ha (tăng 1.094 ha); đất ở nông thôn và đất ở đô thị từ 925 ha lên 2.544 ha (tăng 1.619 ha); đất vui chơi giải trí công cộng từ 109 ha lên 834 ha, tăng 725 ha...Còn đất chưa sử dụng từ 6.360 ha còn 226 ha, giảm 6.137 ha.
Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bất động sản Thái Nguyên: Điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư
Giữa bối cảnh kinh tế cả nước căng mình chống dịch trong hai năm qua, Thái Nguyên nổi lên là một trong số các địa phương giữ vững đà tăng trưởng. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên đạt 6,56% năm 2021, cao gấp đôi so với tăng trưởng bình quân của cả nước. Mới đầu năm 2022, Thái Nguyên đã trở thành điểm sáng của khu vực khi xếp thứ hai trong cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.
Được mệnh danh là thủ đô gió ngàn, Thái Nguyên chỉ cách Hà Nội chừng 80km với 50 phút di chuyển trên đường cao tốc, nhà đầu tư có thể dễ dàng đến với các khu đô thị mới hiện đại và có mức giá hợp lý cùng tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Đây cũng là một trong những lý do khiến thị trường bất động sản Thái Nguyên sôi động trong thời gian qua. Các khu đô thị mới, có tính pháp lý rõ ràng, ở vị trí trung tâm giàu tiềm năng như tại thành phố Thái Nguyên được nhận định là nơi gia tăng giá trị cho nhà đầu tư.
Thái Nguyên thuộc nhóm có mức độ quan tâm đất nền ít sụt giảm nhất so với các địa phương lân cận. Thậm chí, thị trường bất động sản ở Thái Nguyên đã có sự cải thiện về giao dịch và giá bán so với thời điểm cuối năm 2020.
Sự tăng giá này tập trung ở một số dự án có hồ sơ pháp lý đầy đủ, hạ tầng và sản phẩm đang được hoàn thiện, sẵn sàng cung cấp cho thị trường. Giá trị của bất động sản Thái Nguyên được cho là đúng với giá trị thực. Các sản phẩm có tỷ lệ giao dịch cao và tăng giá chủ yếu là các dự án có quy hoạch, tiện ích đồng bộ của các chủ đầu tư nhiều kinh nghiệm.