Tình trạng lợi dụng hiến đất để phân lô bán nền
Hồi đầu tháng 4, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết, qua kiểm tra phát hiện nhiều trường hợp hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa chứ không phải vì mục đích chung của cộng đồng. Trong khi việc này phần lớn đều chưa được thực hiện chặt chẽ, chưa tuân thủ quy định trong hiến đất làm đường. Một số nơi còn không hoàn thành các thủ tục để tiếp nhận, quản lý đất do người dân hiến.
Liên quan đến tình trạng hiến đất làm đường giao thông sau đó phân lô, tách thửa tại Lâm Đồng, TP.Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm được xem là điểm nóng của tỉnh. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận trong giai đoạn từ năm 2018-2021, gần 200 trường hợp trên địa bàn TP.Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm hiến đất làm đường, với tổng diện tích đất hiến lên đến gần 52 ha.
Cụ thể, tổng số hồ sơ xin tách thửa từ năm 2018-2020 tại TP.Bảo Lộc là 2.802 hồ sơ với tổng diện tích 8.592.368 m2; trong đó năm 2018 có 738 hồ sơ/1.571.041 m2, năm 2019 có 902 hồ sơ/2.999.870 m2 và năm 2020 là 1.162 hồ sơ/4.021.458 m2. Trong khi đó, tổng diện tích tự mở đường, hiến đất 3 năm qua là 69.551 m2; trong đó nhiều nhất là xã Đam B’ri với 40.478 m2, kế tiếp là P.Lộc Sơn 10.375 m2, P.Lộc Phát với 7.260 m2, các địa phương còn lại dao động từ 234 - 3.241 m2.
Theo ghi nhận, không ít con đường được mở ra dưới hình thức người dân hiến đất làm đường để thuận tiện cho việc canh tác, sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, có tới hàng trăm ha đường được hiến như thế này. Bản chất của việc hiến đất ở đây có phải là để phục vụ lợi ích công cộng, hay đó chỉ là bước mở đầu cho một kế hoạch với mục đích khác?
Đà tăng giá bất động sản vẫn chưa dừng lại
Trong quý I, giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường đều trong xu hướng tăng, theo đánh giá của Bộ Xây dựng.
Kết quả này được Bộ Xây dựng đưa ra sau khi khảo sát, thu thập dữ liệu biến động giá bán một số loại bất động sản trong tháng 3 và quý I tại 8 địa phương (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu).
Cơ quan này cho biết, một số loại hình bất động sản tại các địa phương này trong tháng 3 tăng giá khá cao so với tháng trước. Đơn cử, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư (tăng 1,53%), nhà ở riêng lẻ (+2,24%), đất nền cho xây dựng nhà ở (+2,85%). Tại TP. HCM, giá căn hộ chung cư tăng 2,48%, nhà riêng lẻ và đất nền cũng đắt hơn lần lượt 2% và 3,6%.
Bên cạnh đó, giá bất động sản cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM tăng nhẹ so với tháng 2. Riêng giá căn hộ chung cư cho thuê tại Đà Nẵng có mức giá tăng tương đối tốt so với tháng trước.
Trước đó, báo cáo của CBRE, trang Batdongsan hay Cushman & Wakefield cùng chỉ ra xu hướng giá nhà tăng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Ví dụ tại Hà Nội, CBRE cho biết giá bán trên thị trường sơ cấp trong quý I tăng 13% theo năm và 4% theo quý. Còn trên thị trường thứ cấp, giá bán nhà tăng 9% so với cùng kỳ 2021. Ở TP HCM, báo cáo của Cushman & Wakefield cho biết, giá bán căn hộ tăng gần 30%.
Nguyên nhân giá nhà leo thang theo các tổ chức này đến từ khan hiếm nguồn cung, giá đất, chi phí vật liệu tăng, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý kéo dài...
Đồng Nai: Loạn đất cá nhân biến thành dự án
Sau bài viết “Đồng Nai: Không có dự án KDC Sông Trầu” đăng tải ngày 23/3 nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc, Người Đưa Tin tiếp tục nhận được phản ánh về hàng loạt dự án chui đã hình thành và hàng trăm căn nhà mọc lên trên đất nông nghiệp bất chấp quy định của pháp luật tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.
PV tiếp cận các thửa đất xung quanh khu vực tờ 39, hiện được phân hơn 150 lô đất với diện tích từ 500m2 đến 600m2. Cụ thể, tại tờ bản đồ số 39 thửa đất số: 2279, 2317, 2310, 2369, 1973, 1974, 1977, 1979, 1943, 1963, 1969, 1970, 1966, 1964, 1960, 1959,… mục đích sử dụng đất là trồng cây lâu năm, nhưng hiện trạng có hàng trăm căn nhà mọc lên hình thành khu dân cư, có những căn đang tiến hành xây dựng.
Ông H.V.H. (người địa phương) cho biết, khu đất này thuộc một cá nhân có tiếng ở Trảng Bom đứng ra phân lô, hình thức khoảng 500m2 một thửa 5 người đứng tên trên sổ (gọi là sổ đồng sở hữu).
Ông H. cũng cho biết, tại tờ bản đồ số 39, các thửa 1878, 2335, 2262, 2265, được cắt theo hình đường dùng làm đường nội bộ, được đổ bê tông từ 4-5 năm trước, riêng tờ bản đồ số 39 thửa số 1878 mới được cập nhật đường giao thông.
Các thửa còn lại mục đích sử dụng đất vẫn là đất nông nghiệp nhưng thành hình đường được đổ bê tông kéo dài nối nhau hàng km để thực hiện việc phân lô.
Thị trường bất động sản đang có biến?
Giá BĐS đang tăng ở hầu hết các phân khúc, trong khi thanh khoản chưa tăng tương xứng được xem là "biến" của thị trường BĐS đầu năm 2022.
Chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, thị trường nhà ở vẫn chịu áp lực tăng giá vì nguồn cung thấp, giá đất tăng. Nguồn cung đất nền trên thị trường phần lớn không nằm ở các dự án được phê duyệt quy hoạch mà chủ yếu ở các dự án đấu giá của địa phương và dự án tự phát của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trong khi đó, giá đất trúng đấu giá ở hầu hết các địa phương đều rất cao. Cộng với lạm phát có thể tăng cao hơn, ngân hàng dự kiến tiếp tục siết chặt tín dụng BĐS... là những nguyên nhân đẩy giá nhà đất lên cao. Phân khúc nhà ở cao cấp và đất nền vẫn sẽ có sức hấp dẫn tốt do phù hợp hơn với nhu cầu giữ tài sản, do đó giá các phân khúc này sẽ tiếp tục tăng. Với phân khúc căn hộ bình dân và trung cấp, giá sẽ tăng chậm hơn để duy trì lượng hấp thụ.
Theo các chuyên gia BĐS, thực tế giao dịch thấp, hạn chế bởi giá bị đẩy quá cao, giá không phản ánh đúng giá trị thực. Các nhà đầu tư, người mua cũng tính được giá trị ở mức độ nào hợp lý. Vì vậy, người có nhu cầu thực sẽ không mua những sản phẩm bị thổi giá quá cao, dẫn đến tình trạng hấp thụ kém.
Công an TP Đà Nẵng điều tra việc chuyển mục đích đất nông nghiệp
Tại buổi họp báo cung cấp thông tin quý I-2022 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức chiều 18-4, lãnh đạo huyện Hòa Vang và Sở TN&MT đã thông tin về tình trạng "sốt" đất nông nghiệp tại huyện Hòa Vang thời gian qua.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn xác nhận đang có tình trạng "sốt" đất tại huyện này.
Theo ông Tôn, số hồ sơ giao dịch đất đai tại Hòa Vang tăng từ 120 hồ sơ/ngày lên khoảng 200 hồ sơ/ngày. Trong đó có lý do TP phê duyệt đề án thí điểm du lịch sinh thái tại huyện Hòa Vang.
“Người dân nghĩ sẽ xây dựng được trên đất nông nghiệp nên việc mua bán đất đai phức tạp. Huyện đã giao các xã tuyên truyền cho người dân biết chủ trương chính sách của TP”, ông Tôn nói.
Theo Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng, hiện tượng đang diễn ra tại Hòa Vang là bình thường đối với các đô thị đang phát triển, nhất là những vùng có tốc độ đô thị hóa cao.
Ông Hùng cho hay, về nguyên tắc khi có một chủ trương nâng cấp hành chính của một địa phương, hay thông tin có dự án đầu tư lớn tại vùng nào đó thì giá trị đất đai xung quanh dự án đó sẽ tăng theo.
Cũng theo Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, TP công khai tất cả thông tin quy hoạch và chủ trương nói chung. Người dân chịu khó tìm hiểu sẽ biết được đất mình đang ở là đất gì và được làm vào việc gì, tương lai như thế nào.
“Cò đất cố gắng khai thác vào những chủ trương chính sách, đặc biệt là khai thác vào những điểm không rõ ràng để có thể đánh lừa người dân”, ông Hùng nói.
Sở TN&MT đang tăng cường kiểm tra, giám sát tất cả các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, Sở TN&MT Đà Nẵng đã có văn bản gửi Công an TP đề nghị vào cuộc điều tra xem có hay không đường dây thông đồng giữa những đối tượng, cơ quan và cán bộ quản lý nhà nước để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất.