Hà Nội tăng cường quản lý thuế bất động sản
Theo cổng thông tin UBND TP Hà Nội, Cục Thuế TP đã ghi nhận số tiền thuế kê khai năm 2021 tăng so với năm 2020 cả về số tuyệt đối lẫn tỷ lệ, qua đó đã góp phần hoàn thành dự toán thu của thành phố.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng bất động trên hợp đồng mua bán, hợp đồng chuyển nhượng, hay trên các tờ khai xác định nghĩa vụ thuế không phù hợp với thực tế giao dịch, dẫn đến kê khai thiếu các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38, hành vi kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá giao dịch thực tế nhằm mục đích giảm số thuế phải nộp là hành vi trốn thuế.
Trước tình trạng này, Cục Thuế Hà Nội đã triển khai một loạt giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Cơ quan thuế đang tích cực nghiên cứu, tham mưu với các cơ quan chức năng để sửa đổi, bổ sung đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật về thuế liên quan đến căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ngoài ra, cục thuế cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cùng nội dung quy định về hành vi trốn thuế và xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế trong pháp luật hình sự; chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để người dân, doanh nghiệp biết và chủ động thực hiện.
Bát nháo buôn bán đất đai tại xã đảo ở Cam Ranh
Theo UBND TP. Cam Ranh, khu đất thuộc thửa đất số 28, tờ bản đồ địa chính số 36 có diện tích hơn 1.759 m2, được Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 19/8/2019, cho ông Long Doãn Kiên (ngụ TP.HCM).
Sau đó, UBND TP. Cam Ranh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất hơn 1.469 m2 đất cây lâu năm sang đất ở nông thôn vào cuối năm 2019.
Ông Kiên sau đó tiến hành tách thành 4 thửa kết hợp với chuyển quyền sử dụng đất. Từ 4 thửa trên, ông Kiên tiếp tục tách thành 10 thửa đất nhỏ hơn để hình thành "dự án Ocean View Cam Ranh" rồi rao bán.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Cam Lập cho biết việc ông Kiên chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm là không sai. Tuy nhiên, ông Kiên lại rao bán các lô đất nói trên dưới tên “dự án Ocean View Cam Ranh” với quy mô 200 lô đất nền, mỗi lô có diện tích từ 150 m2 đến hơn 200 m2, giá bán từ 19 triệu đồng/m2.
“Trên địa bàn không có dự án nào mang tên 'Ocean View Cam Ranh' được cấp phép. Chúng tôi đã có báo cáo gửi lên TP Cam Ranh, đồng thời yêu cầu cá nhân này xử lý theo hướng rao bán dưới tên dự án khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép theo quy định”, ông Mỹ nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Cam Lập thời gian qua tại địa phương có hiện tượng sốt đất ảo, nên phát sinh các giao dịch chuyển nhượng, giấy tờ pháp lý không rõ ràng.
Giá nhà liên tục tăng ‘nóng’, mức giá đã đạt đỉnh?
Đơn vị nghiên cứu thị trường Cushman & Wakefield Vietnam vừa có báo cáo về tổng quan thị trường Bất động sản TP. HCM quý I/2022 với nhiều thông tin đáng chú ý. Trong đó, mức giá bán ở phân khúc căn hộ tiếp tục lập đỉnh mới vẫn là thông tin nóng sốt được quan tâm.
Theo đó, Cushman & Wakefield Vietnam ghi nhận mức giá bán trung bình toàn thị trường bao gồm tất cả các phân khúc đạt 3.300 USD/m2 (tương đương 75,4 triệu đồng), tăng 8% theo quý và tăng 27% theo năm. Giá bán thị trường căn hộ không ngừng đạt đỉnh trong 10 năm qua, chủ yếu là do giá đất tăng trong bối cảnh quỹ đất hạn chế, chi phí vật liệu xây dựng tăng và thị trường đón nhận nhiều sản phẩm thuộc phân khúc Hạng sang và Siêu sang thúc đẩy giá trung bình theo đó tăng lên.
Tổng nguồn cung căn hộ tại TP. HCM tính từ 2004 đến nay đạt 315.000 căn. Trong đó, nguồn cung mới trong quý I/2022 đạt 2.500 căn, đến từ bốn dự án Vinhomes Grand Park (Beverly The Resort) - TP.Thủ Đức, Akari City Phase 2 - Quận Bình Tân, Masteri Centre Point - TP.Thủ Đức, Picity High Park - Quận 12. Các dự án mới đều thuộc phân khúc trung cấp và có mức giá bán trung bình 2.500 USD/m2 (tương đương 57,1 triệu đồng).
Còn theo báo cáo mới nhất của batdongsan.com.vn, trong quý I/2022 nhu cầu tìm kiếm chung cư tăng cao cả ở hai thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội, tập trung chính ở phân khúc bình dân.
Cụ thể, trong tháng 2, loại hình chung cư bình dân tại TP. HCM và Hà Nội đều ghi nhận lượt tìm kiếm tăng mạnh 36% so với tháng 1, vượt xa lượt quan tâm của loại hình nhà riêng và đất nền.
Giá chung cư Hà Nội trong tháng 2 cũng đã tăng khoảng 4,4% so với tháng 12/2021. Trong khi đó, mặt bằng giá chung cư bình dân tại Hà Nội trong năm 2021 đã tăng trưởng 8%, đạt mức trung bình khoảng 23,5 triệu/m2. Giá chung cư cao cấp cũng tăng 5% lên 32,5 triệu/m2, còn căn hộ cao cấp tăng 3% lên 45,5 triệu/m2.
Hà Nội duyệt quy hoạch đô thị sông Đuống: Di dời một số khu dân cư
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6) (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng), tỷ lệ 1/5000. Quy mô nghiên cứu khoảng 1.152 ha. Dân số tối đa đến năm 2030 khoảng 8.296 người.
Theo quy hoạch, phạm vi nghiên cứu nằm ở phía bắc và đông bắc giáp đê tả ngạn sông Đuống và phân khu đô thị N9 thuộc các huyện Đông Anh, Gia Lâm. Phía nam và tây nam giáp đê hữu ngạn sông Đuống (thuộc quận Long Biên). Phía tây giáp cầu Bắc Cầu và phân khu đô thị sông Hồng; phía nam và đông nam giáp phân khu đô thị N10 và cầu Phù Đổng.
Quy hoạch được quy hoạch bổ trợ cho cảnh quan trung tâm của khu vực phía bắc sông Hồng, là nơi bố trí các công trình đầu mối đường thủy, hành lang sinh thái, cây xanh phòng hộ.
Đồng thời đây sẽ là khu vực có quỹ đất phát triển hai bên sông theo hướng cây xanh sinh thái, kết hợp du lịch, bảo tồn và duy trì cảnh quan thiên nhiên tạo lập bộ mặt cho các phân khu đô thị, kết hợp cải tạo chỉnh trang, tái thiết làng xóm dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị.
Theo quy hoạch, khu vực dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ, được cải tạo, xây dựng mới công trình theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.
Trong khi đó, một số khu vực phải di dời đảm bảo yêu cầu thoát lũ như trường hợp hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm. Khu vực này sẽ từng bước thực hiện di dời đối với một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn.
Dự án thương mại không muốn “gánh” nhà ở xã hội
Mới đây, Sở Xây dựng có báo cáo UBND TP.HCM về tình hình phát triển nhà ở trong quý I/2022 và kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đến cuối năm 2021, thành phố đã tăng thêm 4,7 triệu m2 sàn nhà ở, nhà ở riêng lẻ là 3,37 triệu m2 sàn. Nhà ở từ 15 dự án được hoàn thành là 1,33 triệu m2 sàn, nâng tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn thành phố là 196,53 triệu m2 sàn, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 20,92m2/người…
Cũng tại báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM có một vấn đề rất đáng quan tâm. Đó là cơ quan chức năng đã tiến hành rà soát quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) tại các dự án nhà ở thương mại (NƠTM) có diện tích trên 10ha tại 33 dự án đầu tư NƠTM có yêu cầu giành đất để xây dựng NƠXH cho người có thu nhập trung bình, thấp, công nhân, sinh viên… với diện tích quy hoạch 1.651ha, phần diện tích đất 20% dành xây NƠXH chiếm khoảng 109ha với quy mô 70.000 căn trên địa bàn. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 14 dự án đã hoàn tất công tác đền bù giải tỏa với diện tích quy hoạch 435ha và phần đất dành cho xây dựng NƠXH là 32ha. Dự kiến, với phần đất ít ỏi được các chủ đầu tư NƠTM tiến hành triển khai, sau khi hoàn thành sẽ chỉ cung ứng ra thị trường được 15.000 căn NƠXH, đây là con số rất nhỏ so với nhu cầu nhà ở thực tế hiện nay.
Chính vì vậy để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng đã tiến hành rà soát, kiến nghị các sở ngành liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm trách nhiệm theo Quyết định 4151 ngày 9/12/2021 của UBND TP.HCM, nhằm thúc đẩy chủ đầu tư triển khai nhanh. Sở Xây dựng cũng nhấn mạnh, nếu chủ đầu tư chậm triển khai hoặc không triển khai thì thu hồi giao cho chủ đầu tư có năng lực thực hiện.