Bản tin nông nghiệp 6/7: Khơi thông dòng chảy cho hạt gạo Việt

Những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Hơn 14,6 tỷ đồng nâng cấp hệ thống thông tin thị trường nông sản tại Đắk Nông; Nâng chất để gia tăng xuất khẩu nông sản tại thị trường EU; Sản xuất rau sạch chú trọng khâu hậu kiểm...

Khơi thông dòng chảy cho hạt gạo Việt

Bản tin nông nghiệp 6/7: Khơi thông dòng chảy cho hạt gạo Việt - Ảnh 1

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu gạo trong tháng 6-2022 tăng gần gấp đôi so với mức bình quân của 5 tháng đầu năm. Từ đầu tháng 6-2022 đến nay, giá gạo xuất khẩu chất lượng cao có xu hướng tăng, từ 10-15USD/tấn so với tháng 5. Đối với các loại gạo thường của Việt Nam (IR504, OM5451, Đài thơm 8...) đang có giá tốt nhờ nhiều nước tăng lượng mua.

Dù đạt kết quả khả quan, song khi phân tích thị trường, phần lớn các doanh nghiệp và chuyên gia lúa gạo đều cho rằng, gạo Việt rất nhọc nhằn để tìm vị thế. Lý giải điều này, theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mặc dù chất lượng hạt gạo thấp nhưng hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang chào bán với mức giá cao hơn nhiều với các loại gạo cùng loại của Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan.

Cụ thể, gạo 5% tấm của Thái Lan thấp hơn gạo Việt Nam 42USD/tấn, gạo Ấn Độ cùng loại thấp hơn gạo Việt Nam 72USD/tấn, gạo Pakistan thấp hơn gạo Việt Nam 67USD/tấn... Đây là một bất lợi trong quá trình đàm phán hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam để có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo truyền thống khác, nhất là nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan.

Để có thể gia tăng thị phần, đồng thời nâng cao vị thế hạt gạo Việt, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp trân trọng sản phẩm của chính mình thì mới có thể tiến sâu vào thị trường Đông Nam Á, tạo nền tảng để đi được xa hơn ở thị trường các nước lân cận. Muốn như vậy, doanh nghiệp Việt cần "cân, đong, đo, đếm" kỹ lưỡng thị hiếu tiêu dùng của từng nước, tiết giảm chi phí sản xuất để nâng khả năng cạnh tranh về giá...

Hơn 14,6 tỷ đồng nâng cấp hệ thống thông tin thị trường nông sản tại Đắk Nông

Tỉnh Đắk Nông vừa thông qua đề án Nâng cấp hệ thống thông tin thị trường nông sản tỉnh đến 2025, định hướng đến năm 2030.

Bản tin nông nghiệp 6/7: Khơi thông dòng chảy cho hạt gạo Việt - Ảnh 2

Đề án sẽ triển khai thực hiện nâng cấp và xây dựng hạ tầng cơ sở phần cứng; xây dựng website trung tâm và phát triển phần mềm hệ thống thông tin thị trường nông sản tỉnh Đắk Nông; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở dữ liệu và chuẩn hóa trong thu thập thông tin; tổ chức vận hành hệ thống thông tin thị trường nông sản và đào tạo nâng cao năng lực công nghệ thông tin.

Đề án hướng tới mục tiêu hoàn thiện và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong sản xuất và thị trường nông sản tỉnh Đắk Nông trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; cung cấp kịp thời, tăng khả năng tiếp cận thông tin, hệ thống hóa các thông tin của ngành nông nghiệp góp phần thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Đắk Nông sẽ xây dựng nền tảng hệ thống thông tin thị trường nông sản tỉnh Đắk Nông; nâng cấp hệ thống và Website, triển khai App thông tin thị trường nông sản tỉnh Đắk Nông; tổ chức vận hành hệ thống thông tin thị trường nông sản để triển khai. Giai đoạn 2026-2030 sẽ đẩy mạnh vận hành và ứng dụng hệ thống phần mềm hiệu quả.

Tổng kinh phí thực hiện hơn 14,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh; lồng ghép từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2035 và các Chương trình, Đề án khác.

Nâng chất để gia tăng xuất khẩu nông sản tại thị trường EU

Thông tin từ Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết, khoảng 500 tấn gạo mang thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” đã được công ty giao trong tháng 6 vừa qua sẽ tới Đức, Hà Lan và Pháp trong tháng 7 này. Toàn bộ lô hàng được đảm bảo về chất lượng, đóng gói trong bao bì riêng và đã đăng ký mẫu mã quốc tế của tập đoàn.

Bản tin nông nghiệp 6/7: Khơi thông dòng chảy cho hạt gạo Việt - Ảnh 3

Đặc biệt, gạo “Cơm ViệtNam Rice” xuất khẩu sang Pháp sẽ được bán trong hệ thống siêu thị lớn tại thị trường EU là Carrefour. Mặc dù số lượng xuất khẩu lần này không quá lớn nhưng là bước khởi đầu trong hành trình đưa gạo thương hiệu của tập đoàn chinh phục thị trường thế giới.

Đáng chú ý, Việt Nam xuất khẩu nông sản vào thị trường này phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn.

Cụ thể, đối với mặt hàng rau quả, các đối thủ cạnh tranh lớn là Nam Mỹ, Tây Phi, Nam Phi, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc…; với sản phẩm cà phê, tiêu và điều, Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh rất lớn bởi Indonesia, Ấn Độ, Brazil, Bờ Biển Ngà, Mozambique; hàng thuỷ sản thì phải cạnh tranh với Na Uy, Trung Quốc, Ecuador, Maroc.

EU hiện cũng đã định hình được các đối tác làm ăn lâu dài nên xuất khẩu của Việt Nam sang đây chững lại. Do đó, để khai thác tối đa được xuất khẩu vào thị trường EU, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cần đẩy mạnh liên kết để xây dựng chuỗi cung ứng hoàn thiện cho xuất khẩu nhằm giảm chi phí vận chuyển, xây dựng hình ảnh, thương hiệu và phát triển thị trường.

Sản xuất rau sạch chú trọng khâu hậu kiểm

Ông Nguyễn Văn Quy, ở thôn Xuân Hòa, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) là một trong những người tiên phong trồng rau sạch ở địa phương. Nhận thức được tác hại của nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn do sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, từ đầu năm 2022, ông Quy mạnh dạn đầu tư cải tạo 750m2 đất vườn để trồng xen kẽ các loại rau sạch như mướp, khổ qua...

Bản tin nông nghiệp 6/7: Khơi thông dòng chảy cho hạt gạo Việt - Ảnh 4

Đến nay, gia đình ông Quy đã có nguồn thu nhập từ vườn rau sạch. “Trong quá trình trồng rau, tôi không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu mà chủ yếu sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Tuy có vất vả và tốn kém nhưng đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và người tiêu dùng”, ông Quy cho biết.

Không chỉ ông Quy, hiện nay có nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh từng bước thay đổi tư duy sản xuất, giảm dần việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, thay vào đó là dùng các loại chế phẩm sinh học để sản xuất sản phẩm sạch, an toàn. Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Nguyễn Ngọc Sinh cho biết, trồng rau an toàn đem lại nhiều lợi ích, không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, cũng như bảo vệ môi trường. Vì vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền gắn với nhân rộng mô hình trồng rau sạch, an toàn đến với người dân để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản tỉnh Nguyễn Đức Bình cho biết, để hỗ trợ người dân an tâm sản xuất rau an toàn và đảm bảo về đầu ra cho sản phẩm, trong thời gian đến, đơn vị sẽ xây dựng, triển khai kế hoạch hậu kiểm về an toàn thực phẩm cho sản phẩm rau sạch trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức tốt chuỗi cung ứng, sản xuất nông sản sạch sẽ phát triển bền vững vì có đầu ra ổn định, giúp người sản xuất nâng cao thu nhập và góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Tiến Hoàng

Từ khóa: