Xuất nhập khẩu 5 tháng tiếp đà tăng, thặng dư thương mại gần 450 triệu USD
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa cuối tháng 5/2022 đạt gần 35,2 tỷ USD, tăng 24,2% so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 5.
Trong đó, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu đạt hơn 18 tỷ USD, tăng gần 41% so với nửa đầu tháng 5 do một số nhóm hàng tăng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tăng 68%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 42,2%; hàng dệt may tăng tăng 37,5%...
Như vậy, tính trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 153,3 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong nửa cuối tháng 5 đạt 17,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 5/2022 chủ yếu do một số nhóm hàng tăng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 14,3%; kim loại thường khác tăng 42,3%...
Như vậy, tính trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 152,8 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Trung Quốc tăng nhập khẩu chuối của Việt Nam
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do thị trường Trung Quốc giảm mua.
Trong khi các mặt hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, riêng mặt hàng chuối đi ngược xu hướng.
Trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu 742 nghìn tấn chuối, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó chuối Việt Nam chiếm 43%, vượt qua Phillipines với 28%.
Nhận định về thị trường 6 tháng cuối năm, đại diện Vinafruit cho biết cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023, Trung Quốc có khả năng gỡ bỏ chính sách Zero COVID. Tuy nhiên, chính sách này vẫn gây khó khăn cho nông sản Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ở thời điểm hiện tại.
Gần đây, một số lô hàng chuối xuất khẩu của Gia Lai bị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phát hiện có virus SARS-CoV-2. Hiện tỉnh này tiến hành triển khai kiểm tra.
Ông Nguyên lưu ý: “Trung Quốc là một thị trường quan trọng. Để gia tăng thị phần nhập khẩu của thị trường này, các mặt hàng Việt Nam cần cải thiện chất lượng. Trong bối cảnh không còn Zero COVID, Việt Nam sẽ có khả năng cạnh tranh rất tốt ngay cả với các nước trong khu vực”.
Giá nông sản ở miền Tây giảm
Thời điểm này, nhiều loại trái cây tại thành phố (TP) Cần Thơ nói riêng và các tỉnh miền Tây Nam bộ nói chung đang vào thu hoạch. Lượng trái cây ở đất đồng bằng đang xum xuê, dồi dào, đa dạng về chủng loại.
Tuy nhiên, cũng chính vì đang thu hoạch rộ, cung vượt cầu khiến hàng loạt các loại nông sản giảm mạnh.
Theo đó, giá các loại trái cây giảm từ 5.000-15.000 đồng/kg so với đầu vụ. Cụ thể, chôm chôm Thái có giá 30.000-45.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá lên đến 55.000 đồng. Chôm chôm java cũng chỉ còn 15.000 đồng/kg.
Đáng nói, những loại trái cây được mệnh danh là “vua”, “nữ hoàng” của nông sản như sầu riêng và măng cụt cũng liên tục sụt giảm. Vào đầu vụ, sầu riêng Ri6 có giá lên đến 80.000 đồng/kg, nay chỉ còn 55.000 - 60.000 đồng/kg. Thậm chí, một số nhà vườn, tiểu thương bán sầu riêng Ri6 bên lề đường ở Cần Thơ chỉ bán sầu riêng Ri 6 với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg.
Tương tự, giá bán lẻ măng cụt cũng đa dạng, dao động từ 45.000-60.000 đồng/kg. Trong khi cách đây nửa tháng, loại trái cây này có giá lên đến 80.000-90.000 đồng.
Dự báo, giá một số loại trái cây còn có khả năng giảm trong thời gian tới.
Tôm hùm xuống giá nhưng thương lái không đến mua
Giá tôm hùm vào đầu tháng 6 này rất thấp so với các năm. Cụ thể, tôm hùm bông có giá khoảng 900.000 đồng/kg, tôm hùm xanh 600.000 đồng/kg, giảm 300.000-600.000 đồng/kg so với thời điểm này năm trước.
Ông Trần Văn Vương, ở xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết, gia đình ông nuôi 1.000 con tôm hùm đã đến kỳ xuất bán nhưng không bán được. Với mức giá hiện nay, người nuôi tôm thu hồi vốn là đã mừng chứ không mong có lãi.
Hiện tại tôm đang mùa thu hoạch nhưng không thấy bóng dáng các thương lái như những năm trước. Người dân không xuất bán được. Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cho biết, năm nay hầu hết hộ nuôi tôm hùm địa phương thua lỗ.
“Thị trường đầu ra hiện nay đang phụ thuộc vào thị trường của Trung Quốc. Đây là thương trường mang tầm cỡ quốc gia nhưng tầm nhìn của người dân chúng tôi chỉ là sản xuất mà không tính đến đều kiện đầu ra. Do đó, giá cả tôm tác động đến đời sống của nhân dân rất lớn"
Liên kết đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử
Tháng 6 hằng năm là thời điểm nông sản Việt đồng loạt bước vào mùa vụ thu hoạch ở nhiều địa phương trên cả nước. Để chủ động tìm đầu ra cho nông sản, không ít địa phương đã sẵn sàng phương án tiêu thụ, nhất là liên kết doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng và đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương, từ những tháng đầu năm 2022, các đơn vị liên ngành tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ, Đồng Tháp, hay khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên... đã ban hành kế hoạch tiêu thụ về xúc tiến tiêu thụ nông sản trên thương mại điện tử.
Ngoài những nỗ lực kết nối của chính quyền địa phương, nhiều cá nhân như nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu nông sản, đơn vị xuất khẩu... cũng tự thân vận động "chào hàng trực tuyến” trên thị trường thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Đặc biệt, không ít đơn vị sản xuất, cung ứng nông sản đã nhanh chóng hòa cùng dòng chảy chung của thị trường thương mại điện tử đang ngày càng trở thành kênh mua sắm phổ biến của người tiêu dùng.
Bên cạnh sự linh hoạt giải pháp dựa vào nhu cầu phong phú của khách hàng, phần mềm UPOS góp phần hỗ trợ người nông dân giải quyết nhu cầu về doanh thu, thắc mắc về công nghệ và giúp họ tập trung vào thế mạnh sản xuất nông sản...
Các bên cùng nhau phối hợp chặt chẽ để mang lại trải nghiệm tối ưu nhất cho người tiêu dùng đến khâu vận chuyển cuối cùng và chung tay nâng tầm nông sản Việt, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt hòa chung với xu thế phát triển của thị trường toàn cầu.