Bản tin nông sản 10/8: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu hàng nông sản

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp; nâng tầm Nhãn lồng Hưng Yên; kim ngạch xuất khẩu cá tra sang châu Âu được dự báo tăng 91% năm 2022… sẽ là những nội dung chính có trong bản tin hôm nay.

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu hàng nông sản

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay nông sản Việt Nam đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD, như: cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra… Xuất khẩu nông sản không những kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trong nước.

Bản tin nông sản 10/8: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu hàng nông sản - Ảnh 1

Nhận thức được vị trí quan trọng của ngành hàng này, thời gian qua, cùng với tạo thuận lợi thương mại nói chung, việc ưu tiên thông quan xuất khẩu hàng hóa là nông, lâm, thủy sản luôn được ngành Hải quan lưu tâm.

Ở địa phương, cụ thể là một địa phương trọng điểm tập trung hàng nông sản xuất khẩu là Lạng Sơn, công tác tạo thuận lợi được thể hiện rất rõ rệt, nhất là trong những ngày tháng Covid-19 bùng phát.

Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Anh Tài, phía Trung Quốc duy trì chính sách "zero Covid" khiến việc giao nhận hàng hóa giữa thương nhân Việt Nam và Trung Quốc phải tuân thủ nhiều quy trình và có sự khác nhau ở từng cặp cửa khẩu. Điều này có những thời điểm gây ra tình trạng ách tắc nông sản tại các cửa khẩu biên giới Lạng Sơn và một số cửa khẩu biên giới tiếp giáp với nước bạn.

Đến nay, ách tắc không còn, song quy trình giao nhận hàng hóa vẫn duy trì trạng thái đảm bảo phòng, chống dịch an toàn tối đa. Để hỗ trợ thương nhân, doanh nghiệp, Cục Hải quan Lạng Sơn chủ động nắm bắt tình hình, chính sách của phía nước bạn để báo cáo lãnh đạo tỉnh; đặc biệt là phối hợp đàm phán các phương thức giao nhận, mở cửa lại một số cặp cửa khẩu như cửa khẩu Cốc Nam là cửa khẩu chuyên xuất khẩu các mặt thủy sản.

Xuất khẩu rau quả tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp

Bản tin nông sản 10/8: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu hàng nông sản - Ảnh 2

Trên cơ sở phân tích số liệu từ Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, nửa cuối năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả sẽ khả quan hơn. Tháng 7/2022 xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng tháng thứ 2 liên tiếp, ước đạt 260 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 6/2022, nhưng giảm 1,8% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt ước 1,7 tỷ USD, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đang có nhiều tín hiệu tích cực. Hoạt động thông quan mặt hàng rau quả qua các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc thuận lợi hơn. Theo đó, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam có nhiều triển vọng tăng trưởng sang thị trường này, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, bởi nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh.

Tín hiệu tích cực khi một số mặt hàng rau quả của Việt Nam gần đây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc góp phần nâng cao trị giá xuất khẩu hàng rau quả trong thời gian tới. Từ 01/7/2022, phía Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm chanh leo Việt Nam qua các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc; ngày 11/7/2022 Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã kí Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Nâng tầm Nhãn lồng Hưng Yên

Bản tin nông sản 10/8: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu hàng nông sản - Ảnh 3

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2022 nhằm mục đích tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhãn và nông sản đặc trưng, thế mạnh của tỉnh tới người tiêu dùng. Đồng thời, khẳng định vị trí, vai trò của nông sản tỉnh Hưng Yên trong thị trường cả nước và quốc tế. Nhân dân Hưng Yên hoàn toàn có thể thực hiện được ước mơ gìn giữ truyền thống nông nghiệp và thu nhập cao, bền vững hơn trong những năm tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng khẳng định, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 việc tiêu thụ nông sản hàng hóa nói chung, Nhãn lồng Hưng Yên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, và tỉnh, Nhãn lồng Hưng Yên và nông sản vẫn đến được tay người tiêu dùng.

Tham tán công sứ kinh tế thương mại (Đại sứ quán Trung Quốc) Hồ Tỏa Cầm nhận định, hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản là dịp để người dân Trung Quốc biết đến nhiều hơn nữa, không chỉ là nhãn lồng mà còn các sản phẩm nông sản đặc trưng của Việt Nam.

“Trung Quốc sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi và là cầu nối để nông sản của Hưng Yên và Việt Nam vào thị trường này. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trên cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho mặt hàng nông sản của Việt Nam nói chung và Nhãn lồng Hưng Yên nói riêng” - ông Hồ Toả Cầm nhấn mạnh.

Giám đốc Sàn thương mại điện tử Postmart Phan Trọng Lê cũng khẳng định, rút kinh nghiệm từ những năm trước, Postmart đã có sự chuẩn bị về kho bãi, các trang thiết bị, nỗ lực rút ngắn thời gian, đưa nông sản tới tay người tiêu dùng nhanh nhất để đảm bảo chất lượng cao, tươi ngon. 

Hiện Hưng Yên hiện có 5.000ha trồng nhãn. Trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 4.800ha. Sản lượng nhãn năm 2022 ước đạt 45.000 tấn; trong đó nhãn chín sớm chiếm khoảng 5% diện tích, nhãn chín chính vụ khoảng 85% còn lại là nhãn chín muộn. Diện tích nhãn đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đến nay là 1.200ha, chiếm khoảng 25% tổng diện tích tại 81 cơ sở, vùng sản xuất nhãn trên toàn tỉnh. 

Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang châu Âu được dự báo tăng 91% năm 2022

Bản tin nông sản 10/8: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho xuất khẩu hàng nông sản - Ảnh 4

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tính đến giữa tháng 7, giá trị xuất khẩu cá tra đã vượt kim ngạch cả năm trước đạt gần 122 triệu USD, tăng 91% so với cùng kỳ 2021, cao nhất từ năm 2010.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang các thị trường châu Âu đều tăng, mức thấp nhất là 25%, cao nhất là gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch 5 thị trường lớn nhất trong khu vực là Hà Lan tăng 72%, chiếm 30% tổng giá trị XK cá tra sang EU; Đức tăng 107%, chiếm 12%; Tây Ban Nha tăng 75% và chiếm gần 10%; Bỉ tăng 92% và chiếm 9,7% và Italy tăng 90% và chiếm gần 8% tỷ trọng.

Hơn 93% giá trị xuất khẩu cá tra sang EU là từ sản phẩm cá tra phile đông lạnh (mã HS 0304) với giá trị 113,5 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ. Sản phẩm cá tra cắt khúc đông lạnh (HS 0303) chiếm khoảng 4,4%, còn lại là cá tra chế biến chiếm 1,6%.

Tiến Hoàng

Từ khóa: