Chiến lược đưa hàng nông sản sang trời Âu
Tỉnh Gia Lai hiện có trên 311.000 ha diện tích cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả và cây dược liệu; trong đó, có gần 230.000 ha cây trồng “chất lượng cao”.
Trước lợi thế đó, tỉnh Gia Lai đã và đang hoạch định chiến lược rõ ràng để đưa mặt hàng nông sản vươn tầm trời Âu.
Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, hiện Gia Lai có gần 230 ha cây trồng theo các tiêu chuẩn nhưng mới chỉ có hơn 46.000 ha đạt chứng nhận để xuất khẩu. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Gia Lai tập trung mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu và phải phù hợp với từng loại cây trồng.
Bên cạnh đó, Gia Lai cũng sẽ tập trung thực hiện tốt các liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đáp ứng tốt nhất cho thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, bên cạnh xây dựng cơ sở nguồn nguyên liệu đạt chuẩn để xuất khẩu, việc tìm kiếm thị trường phù hợp, tiềm năng lâu dài cũng được tỉnh Gia Lai chú trọng.Theo ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, hiện nay, Việt Nam đã ký rất nhiều các hiệp định thương mại để đưa nông sản xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ...
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thị trường mà chúng ta còn bỏ ngỏ như các nước châu Phi, Bắc Mỹ… để có thể giúp nông sản vươn xa hơn. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất Nhập khẩu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cũng như Tham tán thương mại các nước thường xuyên tổ chức thông tin về thị trường cho các đơn vị xuất khẩu trong tỉnh.
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản giữa Hòa Bình và Hà Nội
Ngày 10/8, tại Hòa Bình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị bảo đảm công tác an toàn thực phẩm giữa Hòa Bình và Thành phố Hà Nội.
Hội nghị đã nêu kết quả thực hiện Chương trình phối hợp kết nối giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản và quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai tỉnh, thành phố giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình, đến nay, có nhiều mặt hàng có thế mạnh của Hòa Bình đã vào được hệ thống các siêu thị, Trung tâm thương mại lớn của Hà Nội. Việc tổ chức các chương trình tuần lễ, hội chợ, diễn đàn... tại Hà Nội đã tạo ra điểm giao thương và kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn. Qua đó, các sản phẩm chủ lực và có lợi thế của tỉnh Hòa Bình như: cá Sông Đà, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, rau hữu cơ, gà đồi... đã cung ứng vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ tại Hà Nội, được người dân thủ đô chấp nhận và đánh giá cao.
Trong năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình đã ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội biên bản hợp tác phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn có tem truy xuất nguồn gốc; năm 2019, ký với Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp về hợp tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn và các biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm với một số tập đoàn lớn; quy chế về kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Sau bản ghi nhớ và biên bản hợp tác, các đơn vị đã tổ chức và giới thiệu 135 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ, diễn đàn, phiên chợ nông sản thực phẩm an toàn và tuần lễ nhận diện nông sản an toàn tổ chức tại các tỉnh, thành phố. Các doanh nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp Hòa Bình ký kết được 10 biên bản ghi nhớ liên kết tiêu thụ nông sản. Hòa Bình cũng là tỉnh thứ hai sau thành phố Hà Nội xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, xác thực chống giả và kết nối cung cầu tại địa chỉ hb.check.net.vn.
Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa lĩnh vực nông nghiệp
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn - Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân) là một trong những đơn vị tiên phong của tỉnh trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Đơn vị đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng để xây dựng khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có diện tích 124 ha; trong đó, đầu tư xây dựng hơn 20 ha nhà lưới, nhà màng theo công nghệ của Israel, trực tiếp sản xuất hoa, rau, củ, quả chất lượng cao.
Ông Lê Huy Khiêm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, cho biết: Để sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao, trung tâm đã áp dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích quy trình canh tác tối ưu, ứng phó với sự thay đổi thời tiết từng khu vực canh tác và cảnh báo cho ban kỹ thuật để điều chỉnh cho phù hợp. Toàn bộ các thông tin được tích hợp trên màn hình theo thời gian, người quản lý sản xuất tại trung tâm điều phối toàn bộ thông tin thực tế và đưa ra dự báo. Trong khâu thu hoạch và vận chuyển cũng sử dụng công nghệ cao, điều phối xe trên bản đồ, tránh ùn tắc, sai lộ trình hay chậm giờ. Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ đã giúp trung tâm giải quyết được các khó khăn trong quá trình sản xuất, làm tốt dự báo được sản lượng năm sau để lên kế hoạch phù hợp và quan trọng nhất là giảm chi phí sản xuất.
Trong thời gian qua, để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, trên địa bàn tỉnh đã phát triển và mở rộng diện tích sản xuất theo quy định thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Toàn tỉnh đã xây dựng được vùng lúa thâm canh chất lượng cao 67.000 ha; duy trì kiểm soát chất lượng và dán tem hàng năm cho 812,5 ha sản xuất rau quả an toàn tập trung, 101,18 ha sản xuất trong nhà lưới; 1.140 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP nông hộ...
Ngoài ra, người nuôi tôm đã đầu tư xây dựng ao/bể nuôi trong nhà màng, nhà lưới khoảng 85 ha, tập trung ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn, năng suất đạt từ 30 - 50 tấn/ha/vụ, có thể nuôi 3 vụ/năm.
Tiềm năng xuất khẩu nông sản vào thị trường Úc
Úc là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới với nhiều yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cao, quy trình nhập khẩu khắt khe. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước này có mức sống cao và sẵn sàng chi trả cho các mặt hàng hoa quả, thực phẩm giá cao, nếu cảm thấy hài lòng với sản phẩm. Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được nhiều loại nông, thủy sản và trái cây sang Úc (như các loại gạo, hạt điều, tôm, cá, xoài, dừa, nhãn, vải, sầu riêng, thanh long...) và được thị trường này đón nhận tích cực.
Những năm gần đây, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Úc có sự tăng trưởng mạnh và các doanh nghiệp nước ta đã xuất khẩu được nhiều loại nông sản sang Úc. Thị trường Úc được doanh nghiệp đánh giá là còn nhiều tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu các loại nông sản, nhất là thủy sản, trái cây và lúa gạo. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn đẩy mạnh xuất khẩu các loại nông sản sang thị trường khó tính này.
Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, cho biết: “Công ty đã xuất khẩu 4 loại trái cây tươi vào thị trường Úc gồm xoài, nhãn, vải, thanh long và xuất khẩu các loại trái cây đông lạnh như sầu riêng, nhãn và mít. Tới đây, công ty phát triển xuất khẩu thêm trái bưởi...”.
Theo bà Vy, các sản phẩm trên được thị trường Úc đón nhận rất tích cực. Tuy nhiên, do mới chủ yếu phục vụ cho đối tượng người tiêu dùng Việt Nam và châu Á tại Úc nên sản lượng xuất khẩu còn hạn chế. Công ty đang nỗ lực tăng cường đưa hàng tiếp cận các siêu thị và người tiêu dùng bản địa Úc.
Theo bà Liêu Kim Thúy, Trưởng Ban bán hàng thị trường Úc và New Zealand của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, doanh số xuất khẩu tôm của Minh Phú vào thị trường Úc đang tăng trưởng rất tốt. Nếu năm 2021, doanh số đạt 50 triệu USD thì 7 tháng đầu năm nay đã bằng cả năm 2021. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm vào thị trường Úc cũng còn gặp khó, nhất là thời gian thông quan còn chậm, khiến chi phí lưu kho tăng và chiếm tới 10% giá trị lô hàng”.