Bản tin nông sản 13/7: Thích ứng và phát triển nông nghiệp “thuận thiên”

Những thông tin đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Việt Nam – EU thúc đẩy hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm đa dạng bền vững; Quảng Ninh phát triển bền vững sản phẩm OCOP; thêm một cửa khẩu cho vải thiều Việt Nam xuất sang Trung Quốc; để tránh “điệp khúc” thừa nông sản, thiếu nguyên liệu...

Việt Nam – EU thúc đẩy hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm đa dạng bền vững

Ngày 11/7, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến có buổi gặp mặt và trao đổi với Cao ủy Nông nghiệp Janusz Wojciechowski cùng đoàn doanh nghiệp EU tại trụ sở Bộ NN-PTNT.

Bản tin nông sản 13/7: Thích ứng và phát triển nông nghiệp “thuận thiên” - Ảnh 1

Tại buổi làm việc, hai Bên khẳng định việc cần thiết phải đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - EU, đặc biệt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, việc đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững và an ninh lương thực trở nên cấp thiết. 

Hiện nay, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, cũng là thị trường xuất khẩu trọng điểm đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm Việt Nam. EU cũng là nhà cung cấp quan trọng của Việt Nam nhất là đối với các mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp. Với nền tảng hợp tác hiện có, cùng lợi thế lớn từ Hiệp định EVFTA, hai Bên sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tạo thuận lợi cho hàng hóa tiếp cận thị trường của nhau, hạn chế tối đa các rào cản kỹ thuật, hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của EU trong quá trình triển khai thực thi Hiệp định EVFTA thời gian qua và hoan nghênh những kết quả tích cực của Hiệp định trong thúc đẩy trao đổi thương mại song phương, bất chấp bối cảnh kinh tế, giao thương đối mặt với nhiều khó khăn.

Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, kim ngạch hai chiều Việt Nam – EU đã chứng kiến sự phục ahồi và tăng trưởng mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. Đáng chú ý, xuất khẩu nông lâm thủy sản – là các mặt hàng được hưởng ưu đãi lớn từ Hiệp định EVFTA cũng ghi nhận tốc độ tăng rất cao.

Hiện nay các quốc gia có FTA với EU nhưng tập trung vào sản xuất nông sản thì không nhiều. Trên thực tế, EU là thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao và ổn định đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm, trong khi hàng nông sản của Việt Nam là nông sản nhiệt đới, ít cạnh tranh trực tiếp với hàng nông sản của châu Âu. Trước bối cảnh đa dạng hóa nguồn cung nhằm đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam đang có nhiều lợi thế và khả năng cung ứng các sản phẩm nông lâm sản thực phẩm cho thị trường EU.

Thích ứng và phát triển nông nghiệp “thuận thiên”

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành, cụ thể hóa phương hướng tổ chức không gian và phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu của vùng.

Bản tin nông sản 13/7: Thích ứng và phát triển nông nghiệp “thuận thiên” - Ảnh 2

Một trong những đột phá mang tính chiến lược được xác định tại quy hoạch là “biến thách thức thành cơ hội, chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” và “thay đổi tư duy về an ninh lương thực, từ phát triển nông nghiệp dựa chủ yếu vào cây lúa sang thủy sản-trái cây-lúa gạo trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng”.

Như vậy, quan điểm xuyên suốt tại quy hoạch vùng ĐBSCL là phát triển “thuận thiên” và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Trong đó, nông nghiệp được xem là ngành đóng vai trò tiên phong thực hiện sứ mệnh này. 

Tốc độ BĐKH và tác động tiêu cực từ BĐKH đối với vùng ĐBSCL thời gian qua đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương trong vùng. Theo kịch bản đến năm 2050 của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM), 8/13 tỉnh vùng ĐBSCL sẽ bị ngập ít nhất 50% diện tích. Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của BĐKH đến mực nước lưu vực và nước biển dâng. Các chuyên gia dự báo, với tốc độ sụt lún cao gấp nhiều lần tốc độ nước biển dâng thì khả năng ngập ở khu vực đồng bằng sẽ còn nhanh hơn. 

Từ những thách thức trên buộc các địa phương vùng ĐBSCL phải chủ động thích ứng với BĐKH dựa trên sự biến động của nguồn nước. Nhiều địa phương đã coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên cho phát triển. Một số nơi, người dân và doanh nghiệp đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy dựa trên tăng diện tích, sản lượng sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất theo nhu cầu thị trường...

Đây cũng là những quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL tại quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thời gian qua, những mô hình nông nghiệp sinh thái, tích hợp “đa tầng, đa giá trị, thuận tự nhiên” xuất hiện ở nhiều địa phương trong vùng như: Mô hình kinh tế dưới tán rừng; mô hình tôm-lúa ở bán đảo Cà Mau; mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên; mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực.

Quảng Ninh phát triển bền vững sản phẩm OCOP

Bản tin nông sản 13/7: Thích ứng và phát triển nông nghiệp “thuận thiên” - Ảnh 3

Nằm ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, Quảng Ninh có rất nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo. Từ lợi thế này, trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Quảng Ninh luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.

Với quan điểm OCOP là chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, ngay từ khi triển khai chương trình, tỉnh Quảng Ninh đã xác định phương châm phát triển bền vững, thực chất các sản phẩm OCOP. Trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP phải đặc biệt coi trọng yếu tố chất lượng sản phẩm gắn với phát huy tiềm năng lợi thế và cả nét văn hóa, phong tục tập quán sản xuất của người dân địa phương.

Được biết, Quảng Ninh hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Tính chung trên phạm vi toàn tỉnh, Quảng Ninh đã có 502 sản phẩm OCOP, trong đó có 272 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao.

Toàn tỉnh có 31 điểm, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Không chỉ vậy, để hạn chế tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Quảng Ninh cũng là một trong những tỉnh tiên phong đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ, nhiều nông sản chủ lực và các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh cũng đã được mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng.

Thêm một cửa khẩu cho vải thiều Việt Nam xuất sang Trung Quốc

Theo thông tin từ Ban Quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, mới đây, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu trở lại các loại nông sản Việt Nam.

Bản tin nông sản 13/7: Thích ứng và phát triển nông nghiệp “thuận thiên” - Ảnh 4

Cụ thể, trong ngày 9/7 đã có 3 xe vải thiều tươi với tổng sản lượng 64,7 tấn, trị giá gần 600 triệu đồng lần đầu tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc qua lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên (TP Móng Cái).

Trung tâm truyền thông - văn hoá TP. Móng Cái cho biết, toàn bộ hàng hóa, xe chở nông sản được thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc đều được phân luồng, kiểm tra y tế, xét nghiệm, test nhanh kháng nguyên nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch Covid-19.

Việc xuất khẩu mặt hàng vải thiều qua TP Móng Cái góp phần hỗ trợ xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời điểm phía Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt và kiểm soát hoạt động thông quan hàng hóa ở mức độ cao.

Đây cũng là tín hiệu tốt cho ngành thương mại xuất nhập khẩu của TP Móng Cái trong thời gian tới khi các mặt hàng xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn Thành phố ngày càng đa dạng hơn, góp phần nâng cao khối lượng hàng hóa thông quan và giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn.

Để tránh “điệp khúc” thừa nông sản, thiếu nguyên liệu

Bản tin nông sản 13/7: Thích ứng và phát triển nông nghiệp “thuận thiên” - Ảnh 5

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai Đoàn Ngọc Có cho biết, là một trong những địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn (khoảng 35.000ha) nhưng Gia Lai mới có 22 cơ sở và 4 nhà máy chế biến nhỏ lẻ; chuỗi liên kết sản xuất cũng như tỷ lệ rau củ quả được sơ chế, chế biến theo hướng ứng dụng công nghệ cao còn thấp. Do đó, số lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chưa nhiều, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, Hà Nội có hơn 250 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, nhưng phần lớn có quy mô vừa và nhỏ. Vì vậy, tình trạng được mùa, mất giá, dư thừa nông sản vẫn diễn ra, nhất là với rau, củ, quả thu hoạch theo mùa vụ như quả có múi, rau xanh, hoa tươi.

Để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp; đồng thời giải quyết tình trạng dư thừa nông sản khi vào vụ thu hoạch, Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) Phùng Thị Thu Hương cho rằng, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân tổ chức lại sản xuất gắn với vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, bảo đảm nguyên liệu cho chế biến. Mặt khác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để xây dựng nhà xưởng, trang bị máy móc hiện đại phục vụ hoạt động sau thu hoạch...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin, Bộ NN&PTNT đã đề nghị các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức lại sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên thị trường và chuyển đổi cơ cấu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng. Các địa phương cần làm tốt vai trò cầu nối để kết nối chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp chế biến, qua đó tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Tiến Hoàng

Từ khóa: