Bún, miến, bánh phở Việt Nam vào EU “thông thoáng” hơn
Theo Bộ Công Thương, ngày 13-6, EU đã đăng công báo sửa đổi quy định mới về các biện pháp khẩn cấp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU. Quy định có hiệu lực từ 3-7-2022.
Theo đó, EU đã chính thức đưa các loại bún, miến, phở ra khỏi danh mục quy định yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm theo Phụ lục 2 Quy định (EU) 2021-2246 sửa đổi bổ sung Quy định (EU) 2019-1793.
Tuy nhiên, EU vẫn tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm với các lô hàng mì ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác.
"Như vậy từ ngày 3-7 tới, các lô hàng bún miến phở của Việt Nam xuất khẩu sang EU không cần bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm do Bộ Công thương cấp và cũng không bị kiểm soát tại cửa khẩu của EU", Bộ Công thương thông tin.
Việt Nam xuất khẩu 347 triệu USD gạo trong tháng 5, tăng hơn 25%
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gần 2,8 triệu tấn gạo, tương đương trên 1,35 tỷ USD, tăng 6,6% về khối lượng, nhưng giảm 4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45,9% trong tổng lượng và chiếm 43,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước và ở mức 1,3 triệu tấn, tương đương 589,81 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng tăng 34%, kim ngạch giảm 12,7%.
Thị trường Trung Quốc đứng vị trí thứ hai, chiếm trên 14% trong tổng lượng và chiếm 15% trong tổng kim ngạch, đạt 388.616 tấn, tương đương 203,34 triệu USD, giảm 19,5% cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ ba là Bờ Biển Ngà, chiếm 9,7% trong tổng lượng và chiếm 8,7% trong tổng kim ngạch với 273.078 tấn, tương đương 117,96 triệu USD, tăng 37% về lượng và tăng 16,8% kim ngạch so với cùng kỳ 2021.
Riêng tháng 5, Việt Nam xuất khẩu 710.371 tấn gạo, tương đương 347,1 triệu USD, tăng 27,8% về lượng và tăng 25,8% kim ngạch. So với tháng 4, xuất khẩu mặt hàng này tăng 13,3% về lượng, tăng 2,4% kim ngạch so với cùng kỳ 2021.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả 5 tháng đầu năm 2022 đạt 1,4 tỷ USD
Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm, song riêng mặt hàng chuối ghi nhận tăng trưởng vượt bậc. Trong 5 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 742 nghìn tấn chuối, tăng 10%. Trong đó, chuối Việt Nam chiếm thị phần 43%, vượt Philippines với thị phần 28%.
Theo Bộ NN&PTNT nhận định, Trung Quốc có khả năng gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” (sàng lọc và quét sạch ca nhiễm trong cộng đồng) trong thời gian từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Thời gian tới, xuất khẩu rau quả nói riêng và hàng nông sản nói chung vào thị trường Trung Quốc vẫn khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần chủ động khai thác các thị trường mới, tăng cường xuất khẩu tại thị trường EU và các thị trường Nhật Bản, Mỹ… đối với các loại hoa quả đã được cấp phép; đồng thời chủ động lượng rau quả để khi thị trường Trung Quốc tăng cường nhập khẩu có thể cung ứng kịp thời các đơn hàng.
Tuần lễ tôn vinh trái cây được tổ chức tại Đồng Nai
Ngày 13/6, UBND TP Long Khánh và Sở NN và PTNT tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp báo thông tin về chương trình lễ tôn vinh trái cây và Chợ phiên nông nghiệp đô thị Tây Nam năm 2022.
Ban tổ chức cho biết, lễ hội sẽ tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm trái cây, nông sản tiêu biểu, với sự tham gia của nhiều nhà vườn đến từ các huyện, thành phố và các doanh nghiệp tại Đồng Nai.
Hoạt động này nhằm giúp các nhà vườn kết nối với các khách hàng, đối tác để mở rộng thêm kênh tiêu thụ nông sản, đặc sản địa phương; đồng thời mời gọi, kết nối du khách và các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đến tham quan, khai thác, hợp tác với các mô hình du lịch sinh thái vườn tiêu biểu tại địa phương.
Theo kế hoạch, Tuần lễ tôn vinh trái cây sẽ diễn ra trong từ ngày 16 đến 19/6 tại Công viên Bia Chiến thắng Long Khánh.