Bản tin nông sản 14/7: Đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại

"Chính ngạch hóa" xuất khẩu nông sản; phát triển nông nghiệp công nghệ cao - khơi thông từ chính sách; taận dụng EVFTA, 'bấm nút thông xe' đưa nông sản Việt đến thị trường EU... sẽ là những nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay.

"Chính ngạch hóa" xuất khẩu nông sản

Cụ thể, ngày 11.7 vừa qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này. Như vậy, sầu riêng đã chính thức được phép nhập khẩu vào Trung Quốc sau 4 năm đàm phán.

Bản tin nông sản 14/7: Đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại - Ảnh 1

Theo Nghị định thư này, sầu riêng Việt Nam phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại phía bạn quan tâm cũng như đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.

Bên cạnh đó, các vùng trồng và cơ sở đóng gói phải được giám sát theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật được đào tạo để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói. Doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý cần đáp ứng yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch mà phía Trung Quốc yêu cầu.

Hiện có 11 loại quả của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, gồm sầu riêng, chanh leo, thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu chính ngạch còn rất khiêm tốn. Ví dụ, có 94% lượng xoài xuất khẩu của Việt Nam được bán sang Trung Quốc nhưng chưa đến 1% trong số đó đi theo đường chính ngạch.

Trung Quốc luôn là thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực nông sản. Đưa nông sản Việt sang Trung Quốc qua đường chính ngạch là giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản và xóa ùn tắc cửa khẩu phía Bắc như lâu nay.

Đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại

Bản tin nông sản 14/7: Đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại - Ảnh 2

Tại “Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2022”, đại diện bộ phận thu mua của hệ thống siêu thị GO!, Big C (thuộc Central Retail Việt Nam) đã chủ động tìm đến các nhà cung cấp tại địa phương để tìm kiếm nguồn hàng và đưa các sản vật, đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng cả nước. Nhiều thỏa thuận hợp tác giữa hệ thống siêu thị GO!, Big C với các doanh nghiệp, HTX tham gia sự kiện này đã được ký kết như: HTX nấm Hà Hương (sản phẩm nấm), HTX Nông nghiệp Buôn Hồ (sầu riêng), HTX cây ăn trái Krông Pắk (sầu riêng),…

Trước đó, hệ thống MM Mega Market đã làm việc với tỉnh Đăk Nông để thu mua cà chua, bơ, ớt và sau này sẽ mua thêm một số trái cây khác. MM Mega Market có kế hoạch mở trạm trung chuyển tại Đăk Nông để phục vụ tốt hơn việc thu mua nông sản địa phương. Với tỉnh Hậu Giang, MM Mega Market mua một số loại hải sản như cá thác lác, cá tra... Trên phạm vi cả nước, hệ thống siêu thị này xây dựng nhiều trạm trung chuyển để tăng cường thu mua sản phẩm của nông dân.

Rõ ràng, sự đồng hành của chính các doanh nghiệp phân phối cũng đóng vai trò hết sức quan trọng giúp các sản phẩm nông sản, đặc sản của các HTX, doanh nghiệp đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, phù hợp với yêu cầu thị trường. Đây cũng là giải pháp giúp đưa nhiều hơn các loại trái cây đặc sản, chất lượng cao được thu hoạch, sơ chế và đóng gói theo dây chuyền hiện đại, đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và OCOP vào phân phối trên hệ thống siêu thị.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - khơi thông từ chính sách

Bản tin nông sản 14/7: Đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại - Ảnh 3

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trên địa bàn TP đã hình thành 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong lĩnh vực trồng trọt, ứng dụng CNC được áp dụng là nhà lưới, tưới tiết kiệm, hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và ánh sáng… Trong chăn nuôi là sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo (đã được ứng dụng với 100% đàn bò sữa và 80% đàn bò thịt). Còn với lĩnh vực thủy sản, ứng dụng công nghệ "sông trong ao", làm giàu oxy bằng quạt nước… Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của TP.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô, 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC là con số rất khiêm tốn. Hà Nội mới có một DN được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng CNC; chưa hình thành được vùng sản xuất ứng dụng CNC theo tiêu chí của TP; việc nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất còn hạn chế.

Đề cập đến những khó khăn trong việc triển khai, áp dụng các chính sách hỗ trợ nông nghiệp CNC vào thực tế, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Đến nay, TP vẫn chưa triển khai được các nội dung hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Các tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã ban hành tại Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 19/6/2019 của UBND TP cũng khó thực hiện, đặc biệt là tiêu chí về diện tích đất quá lớn, không phù hợp với địa phương.

“Thực tế, các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC của Hà Nội về cơ bản có quy mô nhỏ. Mặt khác, đến nay, TP cũng chưa có cơ chế về quy trình, thủ tục hướng dẫn các định mức kỹ thuật chi tiết theo danh mục CNC ứng dụng trong nông nghiệp” – ông Nguyễn Văn Chí cho hay.

Để tháo gỡ những bất cập, khơi thông chính sách, thúc đẩy xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp CNC, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Du lịch TP Lê Tự Lực đề xuất, trước mắt, TP cần triển khai quy hoạch các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Đồng thời xác định các vùng sản xuất chuyên canh có lợi thế để bảo đảm quỹ đất ổn định, thu hút DN đầu tư.

Tận dụng EVFTA, 'bấm nút thông xe' đưa nông sản Việt đến thị trường EU

Bản tin nông sản 14/7: Đưa nông sản vào kênh phân phối hiện đại - Ảnh 4

Tại hội thảo kinh doanh nông sản Việt Nam-EU do Bộ NN&PTNT, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) phối hợp tổ chức mới đây, ông Janusz Wojciechowski, Cao ủy EU phụ trách nông nghiệp đánh giá, trong năm 2020-2021, thương mại song phương trong lĩnh vực thực phẩm đã vượt qua những thách thức của đại dịch và đạt tăng trưởng 9%, tương đương 3,5 tỷ Euro.

Những con số này thực tế còn cao hơn nếu tính cả các sản phẩm thủy sản và lâm sản, hai mặt hàng thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam.

Cũng do lợi ích của EVFTA, giờ đây, người tiêu dùng châu Âu có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn tới các sản phẩm trà và cà phê Việt Nam, cùng hàng loạt các mặt hàng đa dạng khác như hạt, gia vị và hoa quả nhiệt đới.

Các mặt hàng chính yếu của Việt Nam như gạo, nấm, các sản phẩm đường cũng được hưởng lợi từ việc tiếp cận quan trọng tới thị trường EU thông qua Hạn ngạch nhập khẩu với mức thuế ưu đãi theo quy định của EVFTA, giúp các mặt hàng này được nhập khẩu vào EU với thuế suất là 0.

Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhiều mặt hàng thực phẩm của châu Âu có tính an toàn và chất lượng cao. Các mặt hàng thực phẩm châu Âu có một di sản vững chắc về các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe.

EU kiểm tra nghiêm ngặt mọi bước, từ việc sử dụng thuốc trừ sâu đến khâu đóng gói, để người tiêu dùng có thể sử dụng sản phẩm của chúng tôi với sự đảm bảo chất lượng đầy đủ nhất.

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, các mặt hàng trao đổi giữa hai bên có tính bổ trợ, không cạnh tranh. Kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản 2 chiều Việt Nam-EU tăng từ 4,3 tỷ USD năm 2015 lên 4,5 tỷ năm 2020 và 5,2 tỷ USD năm 2021.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại nông lâm thủy sản 2 chiều đạt 2,66 tỷ USD tăng 26% so với năm 2022.

EU là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh các mặt hàng nêu trên, Bộ NN&PTNT cho rằng, cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như gạo của Việt Nam, rau quả của cả Việt Nam và EU, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…

Tiến Hoàng

Từ khóa: