Giá tôm đồng loạt tăng do nguồn cung khan hiếm
Ở các tỉnh ven biển miền Tây như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang… giá tôm tăng từ 10.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại. Một số hộ nuôi tôm ở Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) cho biết giá tôm thẻ các loại tăng thêm khoảng 10.000 đồng so với đầu năm nay. Cụ thể loại 20 con đang ở mức 230.000 - 240.000 đồng/kg, loại 40 con giá khoảng 180.000 - 195.000 đồng/kg.
Trong khi đó, các hộ nuôi tôm sú ở Cà Mau, Kiên Giang cho hay giá tôm sú loại 20 con giá từ 245.000 - 255.000 đồng/kg, tôm sú loại 30 con giá từ 195.000 - 205.000 đồng/kg. So cùng kỳ năm 2021, giá tôm sú tăng từ 30.000 - 35.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỉ USD, tăng 38% và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm nay tăng mạnh là do các doanh nghiệp có sẵn nguồn nguyên liệu dự trữ từ năm 2021. Bên cạnh đó, cuối năm 2021 các nhà nhập khẩu lo lắng thiếu hụt nguồn cung vì dịch bệnh và vận chuyển nên đã ký hợp đồng nhiều hơn so với nhu cầu thực tế. Trong những tháng tiếp theo tốc độ tăng trưởng sẽ không cao như những tháng đầu năm.
Nông sản Việt hướng tới thị trường giá trị cao
Thông tin từ Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%.
Cũng trong 5 tháng đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đó là: Cà phê đạt gần 2 tỷ USD (tăng 54,0%); cao su đạt trên 1 tỷ USD (tăng 12,0%); cá tra đạt 1,2 triệu USD (tăng 91,2%), tôm đạt trên 1,9 tỷ USD (tăng 42,7%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,2 tỷ USD (tăng 6,9%)…
Đáng chú ý, cá tra là mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất khi trong 5 tháng qua đạt 1,2 tỷ USD, tăng 91,2% so với cùng kỳ năm trước. Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Tô Thị Tường Lan cho biết, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... khả quan do mức giá cá tra xuất khẩu của các DN chế biến trong nước cạnh tranh tốt và mặt hàng cá tra là nguồn thay thế cho một số phân khúc cá thịt trắng bị thiếu hụt có nguồn cung từ Nga.
Dự báo, giá xuất khẩu cá tra ở tất cả thị trường đều tăng, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20 - 25% so với năm 2021; giá cá tra xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu đang phục hồi, tăng trưởng tốt, chủ yếu ở 4 nhóm gồm: Trung Quốc (31%), Mỹ (23%), CPTPP (13%) và EU (6,6%).
Lan tỏa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng: “Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mỗi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao không nên đóng khung trên diện tích của mình mà từ lõi là nghiên cứu công nghệ có thể lan tỏa cho nông dân xung quanh đó. Đây sẽ là hướng ngành nông nghiệp tìm kiếm, phát triển”.Với khát vọng xây dựng vùng nông nghiệp thông minh, quy mô lớn, thời gian qua, Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống trang trại hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp cùng nông dân. Đây cũng được xem là bức tranh mới về phát triển nông nghiệp thông minh 120 ha ở vùng huyện phụ cận Đà Lạt đã được phác thảo thông qua tổ chức liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ, đảm bảo mức lợi nhuận khá hàng năm cho người nông dân.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc sản xuất Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt cho biết, để chuyển giao quy trình sản xuất chuẩn cho các nông dân liên kết, hợp tác xã đã xây dựng trang trại để sản xuất thử nghiệm. Đây được xem mô hình "đề mô" để đơn vị tìm ra quy trình sản xuất tối ưu, xây dựng dự toán định mức khi liên kết, bởi khi sản xuất nhiều loại cây trồng, nhất là các giống mới mỗi loại lại có đặc thù khác nhau.
“Dù trang trại "đề mô" chỉ có 2 ha nhưng diện tích liên kết để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho hợp tác xã lên đến cả trăm ha để đảm bảo đủ sản lượng, sản phẩm cung cấp cho thị trường”, ông Nguyễn Văn Tâm chia sẻ.
Với lợi thế khí hậu được xếp vào ngưỡng nhiệt xứ ôn đới, cùng đất đai màu mỡ, Lâm Đồng thích hợp phát triển đa dạng các loại nông sản đặc trưng như: hoa, rau ôn đới, cây ăn quả, cây công nghiệp… Đặc biệt là rau và hoa cung cấp sản lượng lớn cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh phát triển mạnh với trên 63.000 ha được ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học và công nghệ số - nông nghiệp thông minh. Chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm được quan tâm triển khai từ khá sớm. Đến nay, hầu hết các loại nông sản của tỉnh đã có mô hình liên kết chuỗi; trong đó chiếm tỷ lệ lớn là các chuỗi rau, củ, quả với 42% số chuỗi.
Giá cá tra tăng, người nuôi lãi hơn 5.000 đồng/kg
Nuôi cá tra ở tỉnh Đồng Tháp từ đầu năm đến nay với diện tích hơn 1.688 ha, diện tích thu hoạch hơn 510 ha, sản lượng thu hoạch hơn 240 nghìn tấn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng cá tra tỉnh Đồng Tháp đạt hơn 240.000 tấn, giúp cho ngành hàng cá tra tỉnh Đồng Tháp thu về hơn 3.423 tỷ đồng, tăng 10,45% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng tăng 324 tỷ đồng.
Cá tra đã phục hồi và tăng trưởng, chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu 25.633 đồng/kg, bán ra 31.000 – 32.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 1,6 tỷ đồng/ha.
Giá cá tra nguyên liệu tăng, những hộ nuôi, doanh nghiệp ở Đồng Tháp vẫn giử vững vùng nuôi cá tra, không tăng diện tích.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, quy hoạch phát triển các vùng sản xuất cá tra theo mô hình lớn, tập trung để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
Hình thành các vùng sản xuất cá tra chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và huyện Cao Lãnh.
Hiện toàn tỉnh có hơn 60% nuôi cá tra theo quy trình khép kín từ ương giống, nuôi, chế biến và xuất khẩu là những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định giảm được rủi ro.