Bản tin nông sản 20/6: Thế khó của ngành chăn nuôi heo

Siêu thị hỗ trợ tiêu thụ nông sản, giảm áp lực cho người nông dân; Tạo thuận lợi cho tập trung, tích tụ đất nông nghiệp ở ĐBSCL; Tư vấn xuất khẩu sang thị trường Lào và Thái Lan...sẽ là những thông tin đáng chú ý có trong bản tin.

Thế khó của ngành chăn nuôi heo

Bản tin nông sản 20/6: Thế khó của ngành chăn nuôi heo - Ảnh 1

Báo cáo mới đây của VNDirect đề cập ngô, đậu tương, lúa mì là những thành phần quan trọng trong thức ăn chăn nuôi và chiếm lần lượt 55%, 25% và 10%.

Theo Trading Economics, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng. Giá ngô ngày 17/6 là 7,8 USD//bushel, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lúa mì là 10,3 USD/bushel, đậu tương là 17 USD/bushel, cao hơn lần lượt 56% và 22% so với cùng kỳ 2021.

Nguyên nhân giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng một phần đến từ sự sự gián đoạn thương mại do xung đột Nga và Ukraine. Bên cạnh đó ngày 13/5, Ấn Độ, nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, thông báo tạm thời cấm xuất khẩu lúa mì để đảm bảo nguồn cung lương thực trong nước. 

Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy nhập khẩu nhóm hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu về Việt Nam trong tháng 5 tăng 53,7% so với tháng 4 và cũng tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 605,1 triệu USD. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sang các thị trường trong tháng 5 là 114,8 triệu USD, tăng 12,4% so với tháng 4. Như vậy, Việt Nam nhập siêu 490,3 triệu USD mặt hàng này trong tháng trước.

Trong tháng trước, các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước đồng loạt tăng giá sản phẩm. Cụ thể, Công ty TNHH Jafta Comfeed Việt Nam - khu vực miền Nam (Jafta Việt Nam) ngày 20/5 thông báo sẽ tăng giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 25/5 thêm 300 đồng/kg. 

CTCP MNS Feed cũng thông báo sẽ chính thức tăng giá thức ăn chăn nuôi từ ngày 26/5. Cụ thể, giá tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn cho lợn con Non – BZ (A21U21 và H21).

Công ty TNHH Sunjin Vina – chi nhánh Tiền Giang cũng thông báo tăng giá thức ăn gia súc, gia cầm từ ngày 27/5 với mức tăng 400 đồng/kg đối với thức ăn hỗn hợp lợn con và đậm đặc; tăng 300 đồng/kg với tất cả các sản phẩm còn lại.

Tạo thuận lợi cho tập trung, tích tụ đất nông nghiệp ở ĐBSCL

Ngày 18-6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Chỉ thị số 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng ĐBSCL, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu.

Bản tin nông sản 20/6: Thế khó của ngành chăn nuôi heo - Ảnh 2

Chỉ thị nêu rõ, mục tiêu thời gian tới là phát triển ĐBSCL nhanh, bền vững; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo đột phá nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định chính trị, trật tự xã hội. Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; xác định “nông nghiệp là động lực, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng”, “chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp”, trên cơ sở phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh; gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, giữa nông thôn với đô thị.

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL. Tập trung chỉ đạo, thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và các chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn có liên quan trên địa bàn vùng ĐBSCL.

Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND TP Cần Thơ và các cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm Liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Tổ chức hoạt động điều phối phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.

Siêu thị hỗ trợ tiêu thụ nông sản, giảm áp lực cho người nông dân

Trong thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19, việc thông quan hàng hóa tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc tiếp tục nóng lên.

Bản tin nông sản 20/6: Thế khó của ngành chăn nuôi heo - Ảnh 3

Để giảm thiểu tình trạng này, cùng với việc đẩy mạnh cung cấp thông tin tới người nông dân, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cúc Xúc tiến thương mại, cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông và địa phương có sản phẩm nông sản đến mùa vụ để hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, cả phía trong nước và nước ngoài.

Cùng với đó, hàng loạt hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản đã được Bộ Công Thương triển khai, như hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm với các thị trường nước ngoài trên cả môi trường trực tiếp và trực tuyến; hội nghị giao thương nhóm mặt hàng cụ thể với thị trường tiềm năng; tổ chức hội chợ triển lãm cho các sản phẩm nông sản.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ, đưa nông sản vào hệ thống phân phối hiện đại, hệ thống siêu thị.

Đáng chú ý, vừa qua, Bộ Công Thương triển khai hàng loạt hoạt động liên quan đến hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực cho bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín của hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm nông sản.

“Bộ cũng hỗ trợ nhằm đẩy mạnh ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho quy trình nuôi trồng và chăm bón, đồng thời Bộ Công Thương giao Cục Xúc tiến thương mại triển khai, xây dựng bản đồ nông sản Việt Nam và hiện tại, đang trong quá trình triển khai,” ông Hoàng Văn Chiến cho hay.

Cùng các giải pháp trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, một trong những biện pháp hiệu quả hiệu quả trong thời gian vừa qua đó là đưa ứng dụng số, thương mại điện tử, bán hàng online để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân.

Tư vấn xuất khẩu sang thị trường Lào và Thái Lan

Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua quan hệ thương mại, hợp tác giữa Việt Nam - Lào luôn phát triển theo chiều hướng tích cực, ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu.

Bản tin nông sản 20/6: Thế khó của ngành chăn nuôi heo - Ảnh 4

Điều này thể hiện qua mức tăng trưởng ấn tượng không những so với thương mại Việt Nam - Lào những năm trước đây mà còn so với cả tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 708,2 triệu USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 247,2 triệu USD, giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Lào gồm sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, phân bón các loại, sản phẩm từ chất dẻo, rau quả.

Đối với thị trường Thái Lan, đây là một trong những đối tác có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với tổng giá trị trao đổi thương mại luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), kim ngạch thương mại của Việt Nam với Thái Lan tăng gấp 7 lần, từ 2,31 tỷ USD năm 2004 lên đến 16,58 tỷ USD năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 11%/năm.Đáng lưu ý, riêng 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt gần 8,57 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan đạt 2,95 tỷ USD, tăng 15,6%; nhập khẩu của Việt Nam từ Thái Lan đạt 5,26 tỷ USD, tăng 3,5%.

Hiện tại các sản phẩm như thuỷ sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, nhiều mặt hàng như trái cây tươi của Việt Nam cũng đang được người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng.

Tiến Hoàng

Từ khóa: