Bản tin nông sản 24/7: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Những thông tin đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử; Sơn La xuất khẩu 20 tấn nhãn tươi sang thị trường EU; Nông nghiệp và hành trình "Net Zero"…

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Bản tin nông sản 24/7: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 1

Là huyện có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống và sản phẩm nông nghiệp, những năm qua, Chương Mỹ đã tích cực triển khai Chương trình OCOP và đạt được kết quả khích lệ. Tính đến hết năm 2021, toàn huyện có 99 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng. Năm 2022, huyện tiếp tục phấn đấu có thêm 50 sản phẩm OCOP nữa.

Thực hiện mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm 2022, huyện Chương Mỹ đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã triển khai thực hiện Chương trình OCOP; tổ chức tập huấn cho cán bộ và các chủ thể sản xuất, kinh doanh có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình.

Song song với việc củng cố, phát triển sản phẩm OCOP, từ đầu năm 2022 đến nay, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Cường cho biết: Trong tháng 6-2022, huyện đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức thành công Festival nông nghiệp, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội. Chương trình Festival đã thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, mua sắm sản phẩm, góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống của huyện.

Na Đông Triều lên sàn thương mại điện tử

Bản tin nông sản 24/7: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 2

Với mong muốn đưa quả na Đông Triều đến gần hơn với người tiêu dùng, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực đưa loại trái cây này lên các sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội.

Hiện thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đang có trên 2.000 ha trồng cây ăn quả. Trong đó, vùng trồng na chiếm gần 890ha, tập trung tại các xã An Sinh, Việt Dân, Tân Việt, Bình Khê với năng suất 125 tạ/ha, sản lượng khoảng 11.120 tấn/năm, mang lại khoảng 200 tỷ đồng doanh thu cho các hộ dân.

Na dai Đông Triều từ lâu được biết đến với mùi vị đặc trưng, thơm ngon, quả to, vỏ mỏng, bóng, sáng màu và thường chín sớm hơn so với na ở những khu vực khác. Do đó, na chín đến đâu có thương lái thu mua hết đến đó. Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ sẽ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11. Na Đông Triều đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh.

Ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh na Đông Triều tiêu thụ tại một số tỉnh như: Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa... Song song với phương thức bán hàng truyền thống, hiện thị xã Đông Triều đã xây dựng sàn thương mại điện tử riêng của địa phương là Đông Triều Mart (http://dongtrieumart.vn).

Sơn La xuất khẩu 20 tấn nhãn tươi sang thị trường EU

Bản tin nông sản 24/7: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 3

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá thương hiệu nhãn Sông Mã đến với đông đảo bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, ngày 23/7, Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã tổ chức Ngày hội nhãn Sông Mã năm 2022 với chủ đề "Nhãn Sông Mã – Thương hiệu, uy tín, khát vọng vươn xa".

Đến với ngày hội, du khách không chỉ được thưởng thức những sản phẩm sạch từ quả nhãn, mà còn được tham quan, trải nghiệm nét đặc trưng văn hóa thông qua các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản nơi đây. Qua các hoạt động Hội thi nhãn ngon, an toàn; hội thi trưng bày nông sản; thi đấu các môn thể thao và tôn vinh các hợp tác xã, người trồng nhãn….

Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, khẳng định chất lượng sản phẩm Nhãn Sông Mã và góp phần kết nối tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa trong điều kiện phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Là một trong những vựa nhãn lớn nhất cả nước, huyện Sông Mã có gần 7.500 ha trồng nhãn, chiếm trên 70% diện tích cây ăn quả của huyện, sản lượng hàng năm đạt trên 60.000 tấn. Cây nhãn đã từng bước khẳng định được vị thế khi nhiều hộ gia đình trồng nhãn có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Một số hộ có thu nhập hàng tỷ đồng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã Nguyễn Văn Phương cho biết, riêng năm 2021, toàn huyện đã xuất khẩu trên 3.900 tấn nhãn, xoài sang thị trường Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc… với giá trị xuất khẩu đạt 1,5 triệu USD. Tới đây các mặt hàng này sẽ tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường EU.

Nông nghiệp và hành trình "Net Zero"

Bản tin nông sản 24/7: Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP - Ảnh 4

Y Hưng năm nay 26 tuổi, sống tại buôn Pu Hue, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Anh từng có 2 năm làm việc tại Israel cho một công ty của Thái Lan, sau đó quay về hỗ trợ bố canh tác cà phê theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp thuộc dự án Nescafe Plan Việt Nam từ năm 2014. Những cải tiến của anh trong thực hành nông nghiệp bền vững tưởng nhỏ nhưng lại đóng góp ý nghĩa cho một vấn đề lớn nhất của toàn cầu: giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trên diện tích 1,7ha, Y Hưng áp dụng mô hình trồng xen canh 800 cây cà phê tái canh và 500 trụ hồ tiêu, mật độ 3 hàng cà phê xen 2 băng hồ tiêu. Anh cũng che phủ đất bằng những cành cây, cỏ dại đã cắt tỉa.

Về mặt lý thuyết, trồng xen canh góp phần tạo ra tổng sản lượng cao hơn khi các loại cây trồng được lựa chọn để bổ sung cho nhau, đồng thời giúp bảo vệ đất ở giữa các hàng, tăng cường hệ thống rễ và cô lập carbon trong đất. Thực hành che phủ đất không chỉ giúp ngăn cỏ dại phát triển, duy trì độ ẩm và nhiệt độ của đất, chống xói mòn đất, ổn định nhiệt độ của đất, mà còn đặc biệt quan trọng để tăng chất hữu cơ trong đất và do đó hấp thụ carbon giữ trong đất.

Trên thực tế, Y Hưng đã giảm được 40 - 60% lượng nước tưới và hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Niên vụ gần đây nhất (2021 - 2022), Y Hưng thu được 4,2 tấn cà phê và 2,5 tấn tiêu và cho lợi nhuận tăng hơn 220% so với niên vụ 2019 - 2020. Mọi hoạt động đều được Y Hưng ghi lại đầy đủ trên “app” nhật ký nông hộ để tính toán phát thải CO2 và chi phí sản xuất. Việc này một mặt hỗ trợ gia đình anh quyết định các giải pháp phù hợp và tính toán thời điểm bán cà phê, tiêu đen vào thời kỳ có lãi tốt nhất cũng như giảm nhẹ tác động lên môi trường của vườn nhà.

Tiến Hoàng

Từ khóa: