Bản tin nông sản 2/7: Doanh nghiệp tìm đường vào chuỗi cung ứng

Nhiều nội dung đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Thị trường EU giúp chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; Tuổi trẻ phát triển nông nghiệp, nông thôn và tăng trưởng xanh; Kim ngạch xuất khẩu tôm hùm Việt Nam tăng 30 lần...

Doanh nghiệp tìm đường vào chuỗi cung ứng

Khi sản xuất phát triển, bước đầu định hình được trên thị trường thì nâng cấp thương hiệu doanh nghiệp (DN) là vấn đề rất quan trọng, trong đó có việc mở rộng quy mô cung ứng hàng hóa, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm và liên kết sản xuất. Thời gian qua, các DN trên địa bàn Đồng Nai đã nỗ lực, từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.

Bản tin nông sản 2/7: Doanh nghiệp tìm đường vào chuỗi cung ứng - Ảnh 1

Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) Huỳnh Thị Phượng chia sẻ, trong thời gian qua, công ty đã triển khai đưa các sản phẩm bột ca cao vào các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh như: BigC, Co.opmart... Đây là một trong những kênh tiêu thụ, cũng như giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của công ty, nhất là các sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở khu vực đô thị.

Theo Sở Công Thương, trong những tháng đầu năm 2022, Sở đã tổ chức 6 đợt hội nghị kết nối giao thương giữa tổ hợp tác, HTX, tiểu thương với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây với sự tham gia của 343 tiểu thương, tổ hợp tác, HTX và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Chương trình này nằm trong chuyên đề xúc tiến thương mại về nông dân - nông nghiệp - nông thôn theo chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại của tỉnh năm 2022.

Không chỉ trong lĩnh vực ngành hàng tiêu dùng mới cần đến việc xây dựng kênh phân phối, chuỗi cung ứng cho người tiêu dùng mà đối với những mặt hàng công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ khác thì vấn đề chen chân vào chuỗi cung ứng cho nhà sản xuất lại càng là đích phấn đấu.

Thị trường EU giúp chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Xây dựng thương hiệu nhà xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có trách nhiệm, minh bạch, bền vững, làm cơ sở cho xây dựng thương hiệu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên toàn cầu - Đây là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản vùng ĐBSCL đi châu Âu” do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 1/7 tại Cần Thơ.

Bản tin nông sản 2/7: Doanh nghiệp tìm đường vào chuỗi cung ứng - Ảnh 2

Theo Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đến năm 2030 do Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN&PTNT) trình bày, mục tiêu của đề án năm 2025 giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt từ 5 – 5,5 tỷ USD; tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 30%, mặt hàng nông, lâm, thủy sản tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 20%.

Đồng thời, Việt Nam thuộc nhóm 10% các nước đang phát triển đứng đầu về tỷ trọng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU có chứng chỉ, hoặc công nhận đạt được các chuẩn quốc tế về môi trường và xã hội.

Mục tiêu đến năm 2030 giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường EU đạt từ 7,5 - 8 tỷ USD, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chế biến sang EU đạt khoảng 50% và tiếp cận trực tiếp tới kênh khách hàng cuối cùng tại EU đạt 30%. Đồng thời, Việt Nam thuộc nhóm 5% các nước đang phát triển đứng đầu về tỷ trọng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu vào EU có chứng chỉ, hoặc công nhận đạt được các chuẩn quốc tế về môi trường và xã hội.

Tuổi trẻ phát triển nông nghiệp, nông thôn và tăng trưởng xanh

Đây là kế hoạch do Trung ương Đoàn TNCSHCM ban hành nhằm phát huy vai trò của tuổi trẻ trong xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Bản tin nông sản 2/7: Doanh nghiệp tìm đường vào chuỗi cung ứng - Ảnh 3

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, các cấp bộ Đoàn tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho thanh thiếu nhi về xây dựng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn và những mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp; hình thành lối sống xanh trong thanh thiếu nhi.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản của thanh niên; tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, thích nghi biến đổi khí hậu; thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ thanh niên làm kinh tế, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.         

Kim ngạch xuất khẩu tôm hùm Việt Nam tăng 30 lần

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm hùm tăng 30 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 130 triệu USD. Trong đó, 98% tôm hùm Việt Nam xuất sang thị trường Trung Quốc. 

Bản tin nông sản 2/7: Doanh nghiệp tìm đường vào chuỗi cung ứng - Ảnh 4

VASEP dẫn số liệu từ Hải quan Trung Quốc, 3 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu tôm hùm của nước này tăng 20,3%, đạt trên 436 triệu USD. Trong đó, Mỹ - thị trường cạnh tranh lớn và trực tiếp với tôm hùm Việt Nam giảm 6,34% về giá trị nhập khẩu ở mức 51,8 triệu USD. Ngược lại, giá trị nhập khẩu tôm hùm của Trung Quốc từ Việt Nam tăng 452%, từ 8,7 triệu USD lên 48 triệu USD.

Theo chuyên gia VASEP, chính sách “zero Covid” của Trung Quốc có thể là một trong những rào cản khiến tôm hùm Mỹ bởi những kiểm tra hàng thực phẩm nhập khẩu thắt chặt. Bên cạnh đó, cước vận chuyển tăng cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm hùm của Mỹ sang Trung Quốc. Hiện giá cước container 40 feet từ Bờ Tây Mỹ đi Trung Quốc khoảng 7.980 USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Một yếu tố khác khiến giá trị xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam đến từ giá. Chuyên gia VASEP cho biết từ cuối tháng 3, giá nhập khẩu trung bình tôm hùm của Trung Quốc tăng 7 USD/kg do nhu cầu tiêu thụ của giới trung lưu đi lên. Khi lượng tôm hùm từ Mỹ bị thiếu, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã tăng cường nhập tôm hùm từ nguồn cung từ Việt Nam thay thế.

Tiến Hoàng

Từ khóa: