Nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hiện nay, nông sản Việt Nam đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD, như: cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra… Xuất khẩu không những kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trong nước.
Dù đạt nhiều kết quả ấn tượng, song cũng như nhiều ngành, lĩnh vực khác, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, như: Lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng, ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine... khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng mạnh; cùng với tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất… đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành xuất khẩu hàng hóa.
Mặt khác, hàng nông, thuỷ sản Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, xuất khẩu tiểu ngạch còn nhiều; kim ngạch xuất khẩu vào thị trường cao cấp còn ít; quy trình nuôi trồng, thu hoạch chưa đạt chuẩn, chế biến còn hạn chế…
“Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản vào các thị trường truyền thống của Việt Nam, cũng như các quốc gia thuộc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… ngành nông nghiệp cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất, chế biến để có thể đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của thị trường xuất khẩu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong những năm tới”, bà Vũ Thị Ánh Hồng Tổng biên tập Báo Hải quan nhấn mạnh.
Tìm đầu ra cho gia vị Việt tại thị trường Trung Đông, châu Phi
Trung Đông và châu Phi là khu vực khá rộng lớn với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Môi trường kinh doanh của Trung Đông – châu Phi ngày càng được cải thiện nhờ xu thế tăng cường liên kết khu vực nên dư địa mở rộng hợp tác thương mại giữa Việt Nam với khu vực này là rất lớn.
Hiện nay, khu vực Trung Đông, châu Phi đang được biết đến như một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao, không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung và mặt hàng gia vị nói riêng sang thị trường mới còn nhiều tiềm năng này là một hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trung Đông – châu Phi là khu vực có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, tiếp giáp với cả 3 châu lục là châu Á, châu Âu và châu Phi, là địa bàn trung chuyển hàng hóa đi các khu vực xung quanh, đặc biệt Dubai hiện trở thành thị trường trung chuyển hàng hóa lớn trên thế giới.
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào khu vực Trung Đông, châu Phi mang tính bổ trợ, phù hợp cho Việt Nam và châu Phi, Trung Đông hợp tác mở rộng các cơ hội kinh doanh thương mại. Khu vực này có quy mô lớn, nhiều nước đang tiến hành đô thị hóa nhanh, doanh nghiệp có thể liên kết hợp tác mở rộng xuất khẩu, đầu tư. Bên cạnh đó, khu vực thị trường này còn tương đối dễ tính nên các doanh nghiệp có thể dễ dàng đưa hàng hóa sang.
Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tăng mạnh
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15-7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 403 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu đã đạt hơn 201 tỷ USD.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý Tổng cục Hải quan Đào Duy Tám cho biết, xuất khẩu đang là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2022. Trong đó ngành nông nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Cụ thể, kết quả xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản đạt gần 28 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.
Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù đạt nhiều kết quả ấn tượng, song cũng như nhiều ngành, lĩnh vực khác, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Phải kể đến là lạm phát tăng cao ở nhiều thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng của chiến sự Nga- Ukraine... khiến giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng mạnh gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, tình trạng mặt hàng nông, thủy sản ùn tắc tại một số cửa khẩu phía Bắc trong thời gian qua cũng làm giảm hiệu suất của ngành.
Khai trương cửa hàng nông sản an toàn ở Can Lộc
Chiều 26/7, Hội Nông dân huyện Can Lộc phối hợp với Hội Nông dân thị trấn Nghèn tổ chức khai trương cửa hàng nông sản an toàn Nga Hiên tại địa chỉ 51, đường Nguyễn Thiếp.
Cửa hàng sẽ bày bán trên 50 loại sản phẩm trong đó có 25 sản phẩm OCOP, 25 sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Các sản phẩm đã được kiểm tra về chất lượng, được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng.
Cửa hàng cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định đã ký kết với tổ chức hội như: Thường xuyên giới thiệu nguồn nông sản, thực phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh; cập nhật, chia sẻ thông tin hàng hóa với khách hàng.