Kết nối tiêu thụ nông sản và phát triển du lịch sinh thái
Cần Thơ có trên 75.000 ha diện tích đất trồng lúa, sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm. Cần Thơ cũng có trên 21.000 ha diện tích trồng cây ăn trái các loại, sản lượng đạt trên 170.000 tấn/năm, với các loại cây phổ biến gồm: xoài, sầu riêng, nhãn, vú sữa, mận …
Trên địa bàn Cần Thơ cũng hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn trái tập trung với quy mô từ hàng chục ha đến hàng trăm ha. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng như để tăng hiệu quả kinh tế, hiện nay diện tích đất trồng lúa trên địa bàn thành phố ngày càng thu hẹp để tăng diện tích cây ăn trái.
Ngành nông nghiệp thành phố cũng như hầu hết nông dân trên địa bàn rất cần các doanh nghiệp liên kết xúc tiên tiêu thụ nông sản trên địa bàn chủ yếu là các loại cây ăn trái như sầu riêng, nhãn, xoài, mít, mận… Đây là những loại nông sản có sản lượng lớn và phổ biến ở Cần Thơ nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ trong thời gian qua do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID -19.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Chánh Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, hiện nay hoạt động tiêu thụ nông sản đang đi theo hướng cơ chế thị trường và phải thực hiện theo tiêu chuẩn của các nhà thu mua cũng như tiêu chuẩn của người tiêu dùng.
Tiêu thụ nông sản tùy vào tiêu chuẩn của từng quốc gia thu mua mà muốn bán được nông sản cho các quốc gia đó thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn đó. Mặt khác, muốn bán được sản phẩm phải có sự liên kết dù bằng lời nói hay hợp đồng bằng văn bản.
Doanh nghiệp gạo rộng cửa xuất khẩu
Báo cáo sản xuất kinh doanh thời gian qua của các doanh nghiệp ghi nhận kết quả tích cực. Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An ghi nhận sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay tăng 68% và kim ngạch tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đại diện doanh nghiệp này, doanh nghiệp đang phát triển gạo hữu cơ để hướng đến thị trường cao cấp ở châu Âu. Hiện gạo và sản phẩm sau gạo như bún, phở được châu Âu đặt hàng nhiều đơn vị làm không kịp. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp trúng thầu xuất khẩu gần 50.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc cũng giúp mảng xuất khẩu gạo tăng trưởng trong nửa đầu năm 2022
Cùng kỳ, Công ty Tập đoàn Lộc Trời báo cáo hiện có 1.300 kỹ sư nông nghiệp, liên kết nông dân trồng lúa, ký kết 110.000 ha bao tiêu tại tỉnh An Giang. Công ty đã tiêu thụ 1 triệu tấn lúa, doanh số đạt 12.000 tỷ đồng với đối tác sẵn có.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 15/6/2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 3,11 triệu tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng gần 12,3% về lượng và tăng nhẹ 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, gạo là một trong 29 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước. Ngoài ra, nhu cầu ổn định từ thị trường Trung Quốc, châu Phi và Cuba cũng góp phần mang lại kết quả xuất khẩu tích cực trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022.
Giới chuyên gia nhận định, nhu cầu khả quan của thị trường tiêu thụ gạo truyền thống, cùng với kỳ vọng tăng nhập khẩu để đảm bảo tiêu dùng và dự trữ quốc gia của các nước sau thời gian dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị trên thế giới sẽ thúc đẩy sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới.
Sắc màu Phiên chợ nông sản Khánh Hòa
Ghi nhận của chúng tôi trong ngày 28 và 29-7, phiên chợ đã thu hút sự quan tâm lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương cùng đông đảo người dân, du khách. Đây chính là sự động viên, khích lệ to lớn dành cho nông dân, những người tạo ra nông sản tham gia phiên chợ.
Hơn 100 gian hàng là nông sản có tính đặc trưng của từng vùng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng như: sầu riêng (Khánh Sơn); bưởi da xanh, chuối, thơm (Khánh Vĩnh); dừa Ninh Đa, rau sạch Ninh Đông, tỏi Ninh Vân, gạo Ngọc Quang (Ninh Hòa); trầm hương, dừa xiêm Tuần Lễ (Vạn Ninh); các loại xoài, mít (Cam Lâm); táo, ổi (Cam Ranh); nấm, rau sạch (Nha Trang)…Tại phiên chợ, những trái sầu riêng Khánh Sơn được trưng bày nhiều nhất và loại trái cây này cũng có sức hút hơn cả. Những người nông dân huyện miền núi Khánh Sơn cho biết đã mang đến phiên chợ 50 tấn sầu riêng tươi ngon nhất cho người tiêu dùng.
Bên cạnh hàng tươi, các gian hàng nông sản chế biến như: xoài sấy, các loại trà thảo dược, thức ăn chế biến sẵn…tại phiên chợ cũng rất thu hút người mua. Ngoài ra, hàng chục gian hàng ẩm thực đặc trưng Khánh Hòa và các gian hàng cây cảnh cũng đáp ứng nhu cầu thưởng lãm, thưởng thức của người dân và du khách.
Đến tìm hiểu và trao đổi với bà con nông dân vào sáng 28-6 tại phiên chợ, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những thành quả của người nông dân trong việc làm ra các sản phẩm ngon, sạch, có xuất xứ rõ ràng và được đóng gói cẩn thận, tươi đẹp. Ông đánh giá cao các sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP hay những sản phẩm có hàm lượng chế biến cao chẳng hạn như: xoài sấy, chả cá, các loại trà, thảo dược…
Theo Ban tổ chức phiên chợ, 2 ngày qua, đã có hàng nghìn lượt người dân, du khách đến tham quan, thưởng lãm và mua hàng tại phiên chợ. Hầu hết đều hài lòng sau khi trải nghiệm, mua sắm tại phiên chợ. Trong nhiều thời điểm, khu vực giữ xe ở phiên chợ trở nên quá tải, đây cũng sẽ là điều ban tổ chức sẽ rút kinh nghiệm, bố trí khu vực trông giữ xe rộng rãi hơn.
“Hạ nhiệt” giá hàng hóa: Cần sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành
Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành công điện số 4436 chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.
Nội dung công điện nêu rõ, trong giai đoạn hiện nay, mặc dù giá xăng dầu đã bước đầu giảm, nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, tham gia công tác bình ổn giá và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh, hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.
Thực hiện theo công điện số 4436, lực lượng quản lý thị trường các địa phương đang tích cực vào cuộc giám sát, quản lý theo địa bàn nhằm ổn định thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.
Sự vào cuộc kịp thời này của Bộ Công Thương đang được cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá cao. Theo ông Nguyễn Văn Hiển - Giám đốc Công ty CP Thương mại và Đầu tư Chanh Việt (Long An), Bộ Công Thương đã rất tích cực khi chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý hàng gian, hàng giả và tình trạng găm hàng thổi giá…. trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động như hiện nay.