Bản tin nông sản 4/7: Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn

Những thông tin đáng chú ý có trong bản tin hôm nay: Nâng chất cho gạo xuất khẩu; Thiết lập nhiều hình thức cho tiêu thụ nông sản; Giá rau màu thực phẩm tăng cao; Nhật Bản hỗ trợ phân hữu cơ cho nông dân trồng cây ăn trái...

Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn

Bản tin nông sản 4/7: Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn - Ảnh 1

Thông tin từ Bộ Công Thương, 6 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trong 6 tháng năm 2022 đạt gần 186 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).

Trong đó, nhóm hàng chủ lực gia tăng xuất khẩu mạnh mẽ như: Dệt may đạt 22 tỷ USD, tăng trưởng 23%; nông, lâm, thủy sản đạt 27,8 tỷ USD, tăng 13,9% …

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc DN duy trì được những thị trường truyền thống lớn và tận dụng khá tốt cơ hội từ các FTA, đã góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong 6 tháng năm 2022.

Đơn cử, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực của Việt Nam và những thị trường mà nước ta có ký kết FTA cũng tăng trưởng khá, chẳng hạn như: Mỹ đạt 55,9 tỷ USD, tăng 22,5 %; EU 23,6 tỷ USD, tăng 21,6 %; Trung Quốc đạt 26,3 tỷ USD, tăng 7 %.

Nâng chất cho gạo xuất khẩu

Tại Hội thảo "Khai thác các tiềm năng thị trường Vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA" do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời cho biết, hiện lượng gạo tập đoàn này xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU tăng cao từng năm. Trong đó, riêng xuất khẩu vào thị trường Anh đạt 20.000 tấn/năm.

Bản tin nông sản 4/7: Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn - Ảnh 2

Đây là tín hiệu rất đáng mừng bởi để xuất khẩu gạo vào EU và thị trường Anh, doanh nghiệp phải tuân thủ rất nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm. “Cách đây vài năm rất khó khăn vào thị trường này vì không có quy trình, tiêu chuẩn rõ, gạo không đạt chuẩn. Từ năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời đã đầu tư vào chuỗi giá trị bền vững như giống, phân, thuốc dịch vụ nông nghiệp, hợp tác nông dân vận chuyển xuất khẩu. Nhờ đó, gạo của Lộc Trời mới thành công xuất khẩu sang EU và Anh”, ông Hiếu nói.

Gạo IR50404 từng chiếm 30-40% cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng hiện tại đã xuống dưới 10%, điều này cho thấy cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu phẩm cấp thấp và phẩm cấp cao của Việt Nam đảo ngược hoàn toàn.

Sau 2 đợt điều chỉnh giảm, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng nhẹ trở lại từ 1-2 USD/tấn, trong đó, gạo 5% tấm và 25% tấm cùng tăng 2 USD/tấn, xuất khẩu với giá 409 USD/tấn (gạo 5% tấm và 403 USD/tấn (gạo 25% tấm). Gạo 100% tấm tăng 1 USD, bán ra với giá 394 USD/tấn.

Gạo Ấn Độ cũng ít bị điều chỉnh, tuy  nhiên, quốc gia này chủ yếu xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp hoặc trung bình nên giá gạo không thể bứt phá. Hiện Ấn Độ đang xuất khẩu gạo với giá 343 USD/tấn (gạo 5% tấm), 328 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 323 USD/tấn (gạo 100% tấm).

Như vậy, hiện tại giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu trong nhóm 4 quốc gia xuất khẩu gạo truyền thống, gồm: Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Trong thời gian qua giá gạo xuất khẩu của các nước trồi sụt thất thường thì giá gạo của Việt Nam ổn định và đang dẫn đầu trong 4 nước xuất khẩu gạo truyền thống.

Thiết lập nhiều hình thức cho tiêu thụ nông sản

Chủ động tiếp cận thị trường, nhiều hình thức tiêu thụ nông sản đã được thiết lập đang là hướng đi của nhiều nông dân, hợp tác xã tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức của thị trường.

Bản tin nông sản 4/7: Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn - Ảnh 3

Bình Thuận – “thủ phủ” thanh long với 85% sản lượng là xuất khẩu nhưng chỉ khoảng 2 - 3% sản lượng là theo đường chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc. Trước việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, dẫn đến tình trạng nhiều xe hàng nông sản; trong đó có thanh long bị tồn ứ tại các cửa khẩu, khiến tình hình xuất khẩu gặp không ít khó khăn.Từ sản phẩm chỉ có đầu ra là loại tươi, trước những khó khăn của thị trường, nhiều ý tưởng chế biến sâu trái thanh long đã được không ít doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng vào thực tế và tạo ra nhiều sản phẩm chế biến. Ngoài rượu vang, mứt sấy dẻo, mứt sấy khô, kẹo thì thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện thêm một số sản phẩm như kem thanh long, tương thanh long, mỳ tôm thanh long, rượu đế…

Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ, thị trấn Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận có 35 ha thanh long được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, sản phẩm thanh long sạch Hòa Lệ đã được chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đạt tiêu chuẩn 4 sao. Bên cạnh xuất khẩu trái tươi, hợp tác xã đã chú trọng đến việc đầu tư chế biến sản phẩm từ thanh long.

Đến nay, hợp tác xã đã phát triển được 10 sản phẩm chế biến từ thanh long như rượu vang, rượu đế, kem, mứt, nước cốt, hoa thanh long sấy… Đặc biệt, hợp tác xã đã có thêm 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao là: kem thanh long và rượu đế thanh long. Bên cạnh tạo ra sản phẩm ngon, lạ, chất lượng, hợp tác xã đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, bao bì nhằm tạo sự kích thích, thu hút người tiêu dùng.

Giá rau màu thực phẩm tăng cao

Bản tin nông sản 4/7: Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn - Ảnh 4

Theo khảo sát của Chi Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, từ đầu năm đến nay, nông dân trong tỉnh đã trồng hơn 33.700 ha màu các loại; trong này diện tích rau màu thực phẩm được gieo trồng gần 20.000 ha. Hầu hết diện tích màu trong tỉnh được nông dân xuống giống trên những vùng đất cát, đất ven triền giồng cát, đất trồng lúa gò cao, đất trồng mía không tái vụ

Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, nhờ thời tiết năm nay có mưa sớm nên nông dân trong huyện tranh thủ trồng một vụ cây màu ngắn ngày để có thu nhập. Chỉ tính, ở vùng mía nguyên liệu của huyện đã có gần 2.000 hộ dân xuống giống rau màu các loại trên diện tích  hơn 1.150 ha đất mía.

Bình quân, nông dân trồng màu đều có thu nhập cao nhờ giá các loại rau màu, như các loại cải xanh, xà lách, rau thơm, ớt, dưa leo, đậu các loại,.. tăng và ổn định trong suốt thời gian 2 tháng qua, nông dân trồng màu đạt lợi nhuận từ 70 – 80 triệu đồng/ha /vụ.

Riêng trong khoảng 10 ngày cuối tháng 6 đến nay, do thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng rau màu thực phẩm, làm cung không đủ cầu nên giá rau màu tiếp tục tăng thêm mức bình quân 5.000 đồng/kg; nhất là ớt trái hiện ở mức giá 80.000 đồng/kg, đậu que 50.000 đồng/kg, hành lá 35.000 đồng/kg, khoai lăng 30.000 đồng/kg.

Nhật Bản hỗ trợ phân hữu cơ cho nông dân trồng cây ăn trái

Bản tin nông sản 4/7: Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn - Ảnh 5

Sở NN-PTNT Đồng Tháp kết hợp cùng Công ty cổ phần phân bón hữu cơ Kume (Nhật Bản) vừa tổ chức chương trình tặng phân bón hữu cơ và chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ cho các Hợp tác xã và Tổ hợp tác và Hội quán, người dân trồng cây ăn trái tham gia liên kết tại tỉnh Đồng Tháp với số lượng gần 100 tấn phân. Lượng phân bón được mang đến tận tay trao cho bà con nông dân thông qua Công ty Cổ phần GROW FA ở TP.HCM thực hiện.

Ngoài việc trao tận phân bón hữu cơ cho nông dân sản xuất trái cây ở Đồng Tháp, các chuyên gia Nhật Bản như: PGS.TS Trần Đăng Xuân, trường Đại học Hiroshima (Nhật Bản); ông Shimatani Keni – Giám đốc Công ty cổ phần phân bón hữu cơ Kume (Nhật Bản) đến tận nơi gặp nông dân để hướng dẫn các kỹ thuật công nghệ mới về trồng cây ăn trái, đánh giá chất lượng đất, cải tạo giá thể trồng, giúp cải tạo đất, sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ của Đồng Tháp từ đây đến năm 2025 có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, cải thiện thu nhập cho người sản xuất, từng bước tiếp cận tốt hơn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nâng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ. Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ nhằm mục đích tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phát huy tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ ở địa phương.

Tiến Hoàng

Từ khóa: