Bản tin nông sản 9/8: Liên kết để sản xuất hữu cơ bền vững

Những nội dung chính có trong bản tin hôm nay: Lâm Đồng tăng giá trị nông sản nhờ liên kết sản xuất theo chuỗi; Bến Tre tìm thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực; phát triển xoài thành ngành hàng có giá trị gia tăng cao…

Liên kết để sản xuất hữu cơ bền vững

Bản tin nông sản 9/8: Liên kết để sản xuất hữu cơ bền vững - Ảnh 1

Chiều 8/8, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ) phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm "Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ – Định hướng và giải pháp".

Thực phẩm sạch hiện được người dân đặc biệt quan tâm, vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả còn cao, đang là mối lo chung của toàn xã hội. Trên thế giới, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được ứng dụng từ rất lâu. Và ở Việt Nam, xu hướng này cũng không ngoại lệ, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ thời gian qua được thành phố Cần Thơ quan tâm, chú trọng.

Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao nhằm phát huy những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội mỗi vùng. Đặc biệt, phải chú ý đến các vùng trọng điểm, tập trung khối lượng sản phẩm lớn, chủng loại rau quả phong phú, đa dạng. Hiện nay, thành phố Cần Thơ đang tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo định hướng này.

Thành phố Cần Thơ hiện có trên 76.000 ha diện tích đất lúa, 24.000 ha cây ăn trái và 1.500 ha diện tích trồng rau màu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ Trần Thái Nghiêm cho biết, hiện nay thành phố Cần Thơ đang đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Lâm Đồng tăng giá trị nông sản nhờ liên kết sản xuất theo chuỗi

Bản tin nông sản 9/8: Liên kết để sản xuất hữu cơ bền vững - Ảnh 2

Lâm Đồng được xem là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; nông sản của tỉnh đã có mặt trên khắp thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, do giá cả vật tư, chi phí đầu vào sản xuất tăng đột biến, cộng với đầu ra sản phẩm không ổn định nên ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả sản xuất của nông dân.

Trước thực tế này, ngoài tăng cường các giải pháp hỗ trợ nông dân trong tổ chức sản xuất, ngành nông nghiệp Lâm Đồng còn đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo Nghị định 98 của Chính phủ.         

Vụ rau vừa qua mặc dù được mùa nhưng nông dân Phan Tùng Châu, ở thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) vẫn không vui vì nguồn thu nhập bị giảm đáng kể so với trước. Sở dĩ có chuyện này do giá cả vật tư nông nghiệp không ngừng leo thang, chi phí đầu vào sản xuất tăng vọt trong khi đầu ra sản phẩm không ổn định, thiếu tính liên kết sản xuất theo hướng bền vững.

Tại Lâm Đồng, đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo Nghị định 98 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được thực hiện trong giai đoạn 2019 đến 2023, với tổng kinh phí khoảng 270 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 51% vốn ngân sách nhà nước từ nguồn xây dựng nông thôn mới và lồng ghép từ các chương trình, dự án khác; gần 49% số tiền còn lại là vốn đối ứng từ doanh nghiệp, HTX và nhân dân

Bến Tre tìm thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực

Bản tin nông sản 9/8: Liên kết để sản xuất hữu cơ bền vững - Ảnh 3

Tỉnh Bến Tre đang triển khai nhiều giải pháp căn cơ nhằm đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ đối với hàng nông sản chủ lực của tỉnh trong bối cảnh việc tiêu thụ các mặt hàng này đang gặp nhiều khó khăn, giá cả giảm mạnh làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Nguyễn Văn Bé Sáu cho biết, để hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh, nhất là dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa, Sở Công Thương đề xuất, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực nông nghiệp của tỉnh và Kế hoạch 3003/KH-UB của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến 2030.

Cùng với đó, tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu nông sản có chất lượng cao theo hướng tổ chức sản xuất các mô hình VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến theo hướng giảm chi phí, giá thành để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng mã số vùng trồng, truy  xuất nguồn gốc, đăng  ký nhãn hiệu..., đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tỉnh Bến Tre khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư máy móc thiết bị, nâng cao tỷ trọng nông sản chế biến, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông sản. Ngành chức năng tỉnh tăng cường thực hiện có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản, khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thông qua các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp phân phối..., tham gia các hội chợ, các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Phát triển xoài thành ngành hàng có giá trị gia tăng cao

Bản tin nông sản 9/8: Liên kết để sản xuất hữu cơ bền vững - Ảnh 4

Ngành hàng xoài là một trong 6 ngành hàng trong tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp.

Hiện nay, tỉnh phát triển ngành này thành ngành hàng mũi nhọn theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao, thông qua tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn kỹ thuật vững bền tại vùng chuyên canh. Đồng thời, tăng diện tích xoài đến năm 2025 lên 11.055 ha. Theo đó, các hộ trồng xoài tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, hội quán áp dụng tiêu chuẩn GAP, gắn với mã vùng trồng đạt 100%.

Theo ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp) tỉnh Đồng Tháp, diện tích trồng xoài của tỉnh Đồng Tháp chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của Đồng Tháp với sản lượng hơn 130 nghìn tấn/năm.

Xoài ở Đồng Tháp được đăng ký mã số vùng trồng với 327 mã số với diện tích 5.948 ha; 9 cơ sở đóng gói xoài trên địa bàn đã đăng ký mã số cơ sở đóng gói; chứng nhận VietGAP trên cây xoài ở địa bàn tỉnh.

Để có nguồn xoài ổn định, Đồng Tháp tổ chức vùng chuyên canh trồng xoài cát Chu và cát Hòa Lộc. Xoài cát Chu chiếm 60% diện tích, xoài cát Hòa Lộc chiếm 30%, trồng tập trung nhiều nhất ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh.

Để phát triển ngành hàng xoài bền vững, bán được giá cao, nông dân Đồng Tháp đang phát triển mạnh mô hình trồng xoài rải vụ, thực hiện khoảng 60% diện tích; sản xuất xoài rải vụ đủ điều kiện an toàn ở huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh. Trồng xoài rải vụ bán được giá cao hơn 10.000 đồng/kg so với xoài chính vụ.

Tiến Hoàng

Từ khóa: