Giá vàng tiếp tục giảm
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên tại Mỹ tăng 2,8 USD lên mức 1.742,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8/2022 trên sàn Comex New York tăng 2,6 USD lên 1.742,3 USD/ounce.
Đồng USD tăng khoảng 0,4% và đang ở gần mức cao nhất 20 năm qua ghi nhận trong phiên trước. Chỉ số US Dollar Index (DXY) giao dịch ở mức 108,89 điểm. USD tăng giá khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ dự kiến sẽ tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,1% so với tháng trước, đây sẽ là mức tăng so với con số của tháng trước. Thị trường đang chờ đợi chỉ số giá sản xuất tháng 6 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Năm (14/7) và báo cáo tâm lý tiêu dùng của Đại học Michigan cho tháng 7 được công bố vào thứ Sáu (15/7).
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá vàng miếng 9999 tại SJC và Doji niêm yết như sau:
SJC TP.HCM: 67,6 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,2 triệu đồng/lượng (bán ra)
SJC Hà Nội: 67,96triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,22 triệu đồng/lượng (bán ra)
Doji Hà Nội: 67,55 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,15 triệu đồng/lượng (bán ra)
Doji TP.HCM: 67,65 triệu đồng/lượng (mua vào) - 68,15 triệu đồng/lượng (bán ra)
Giá lợn hơi tăng ở 3 miền
Thị trường lợn hơi khu vực miền Bắc tăng từ 1.000 đồng/kg đến 4.000 đồng/kg trong hôm này.
Theo đó, một số địa phương như Hà Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên và Hà Nội điều chỉnh tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg, hiện giao dịch trong khoảng 66.000 - 68.000 đồng/kg.
Tương tự, Thái Bình đang thu mua lợn hơi ở mốc cao nhất khu vực là 70.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.
Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình và Tuyên Quang nhích nhẹ 1.000 đồng/kg lên mốc 66.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng từ 63.000 - 70.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi miền Trung, Tây Nguyên tăng rải rác tại một số địa phương trong khu vực.
Cụ thể, Đắk Lắk tăng 1.000 đồng/kg lên mức 61.000 đồng/kg trong hôm nay.
Cùng chiều tăng còn có Hà Tĩnh và Bình Thuận khi điều chỉnh tăng 1.000 đồng/kg, hiện thu mua lợn hơi tại mốc 62.000 đồng/kg, ngang bằng với Lâm Đồng.
Mốc giao dịch thấp nhất khu vực là 58.000 đồng/kg, có mặt tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi và Khánh Hòa.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 58.000 - 64.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay tăng nhiều nhất là 4.000 đồng/kg tại một vài nơi.
Trong đó, Hậu Giang, An Giang Trà Vinh lần lượt giao dịch với giá 60.000 đồng/kg, 61.000 đồng/kg và 62.000 đồng/kg, tăng 2.000 - 4.000 đồng/kg so với hôm qua.
Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Đồng Tháp cùng tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg lên mốc 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Thương lái Vũng Tàu thu mua lợn hơi ở mốc cao nhất khu vực là 63.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg trong hôm nay.
Giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng 54.000 - 63.000 đồng/kg.
Giá xăng đồng loạt giảm
Trên thị trường quốc tế, dầu WTI giảm 0,85%, còn 103,21 USD/thùng vào lúc 6h54 ngày 12/7 theo giờ Việt Nam. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 106,41 USD/thùng, giảm 0,57%.
Các công ty tiêu thụ nhiều năng lượng của Pháp đang đẩy nhanh các kế hoạch dự phòng và chuyển đổi nồi hơi khí đốt sang sử dụng dầu, để tránh bị gián đoạn nếu nguồn cung khí đốt của Nga tiếp tục giảm, dẫn tới tình trạng mất điện.
Trong tháng Sáu vừa qua, Nga đã giảm lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, tuyến được chính vận chuyển khí đốt tới Tây Âu, xuống 40% công suất.
Ở châu Âu, các công ty đang sử dụng dầu mỏ thay thế khí đốt khi dành ưu tiên cho việc giải quyết thiệt hại của nền kinh tế do gián đoạn sản xuất và giá năng lượng tăng trước các mục tiêu dài hạn là chuyển sang nhiên liệu không khí thải.
Tại thị trường Việt Nam, sáng ngày 12/7 giá xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá:
Xăng E5RON92 không cao hơn 27.788 đồng/lít
Xăng RON 95 không cao hơn 29.675 đồng/lít.
Dầu diesel không cao hơn 26.593 đồng/lít.
Dầu hỏa không cao hơn 26.345 đồng/lít
Dầu mazut không cao hơn 17.712 đồng/kg.
Ngô nếp tí hon hút khách Hà Thành
Thời gian gần đây, trên các chợ online, loại ngô nếp có màu tím, nhỏ chỉ bằng 1/3 bắp ngô thông thường được rao bán với giá từ 4-5 nghìn đồng/bắp đang trở thành mặt hàng được nhiều người quan tâm.
Chị Phạm Thị Nhung, trú tại Long Biên (Hà Nội) cho biết vừa đặt mua 20 bắp ngô nếp tím với giá 120 nghìn đồng cả tiền ship. Đây cũng là lần đầu tiên chị thấy loại ngô bé như vậy nhưng hạt nào hạt nẩy chắc mẩy, dẻo, thơm.
Quan sát trên các chợ online có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt các bài bán ngô nếp tí hon với giá từ 4-5 nghìn đồng/bắp hoặc 40-45 nghìn đồng/kg.
Bán ngô nếp tí hon với giá 45 nghìn đồng/10 bắp, chị Phương Thảo, trú tại Ba Đình (Hà Nội) cho biết, loại ngô này được đồng bào người H’Mông trồng trên các nương, rẫy, dãy núi cao. Đây là loại ngô thuần chủng, trồng thuận tự nhiên, không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nên được khách Hà Nội rất ưa chuộng.
“Do quá trình thu hoạch, công vận chuyển từ Điện Biên, Sơn La, Yên Bái về Hà Nội khá cao, cộng với sản lượng canh tác thấp nên giá của ngô tí hon luôn cao hơn các loại ngô khác. Hơn nữa, ngô nếp tí hon cả năm chỉ có 2 tháng nên nhiều người tranh thủ đặt mua về ăn”, chị Thảo cho hay.
Theo chị Thảo, ngô nếp tí hon được khách ưa chuộng nhưng số lượng ngô nhập về không có nhiều nên về đến đâu được khách mua hết đến đó. Nhiều người mua ăn thử rồi thích, mua thêm cả trăm bắp về ăn và biếu anh em, họ hàng.
Ngô ngon nhất khi còn tươi, nếu để sau 2 ngày thì độ thơm và ngọt sẽ giảm. Đặc biệt, để ngô mềm dẻo nhất thì nên luộc cùng với một vài khúc mía. Sau khi đun sôi từ 30-40 phút thì ăn được. Bắp ngô sẽ mềm, ngon, ngọt thanh, thơm mát.
Hương Trà (t/h)