Bản tin Tiêu dùng 7/9: Châu chấu trở thành đặc sản với giá đắt đỏ

Hôm nay (7/9) giá vàng tiếp tục giảm, giá lợn hơi tăng giảm trái chiều trên cả nước; Loại côn trùng chuyên phá hoại mùa màng là món ăn yêu thích của dân nhậu, được bán với giá từ 200-250 nghìn đồng/kg.

Giá vàng giảm sâu

Bản tin Tiêu dùng 7/9: Châu chấu trở thành đặc sản với giá đắt đỏ - Ảnh 1

Đêm 6/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.712 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.719 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 6/9 thấp hơn khoảng 6,0% (109 USD/ounce) so với đầu năm 2022. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 49,1 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 17,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 6/9.

Kết thúc phiên giao dịch 6/9, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:

SJC Hà Nội: 66,00 triệu đồng/lượng - 66,82 triệu đồng/lượng

Doji Hà Nội:  66,00 triệu đồng/lượng -  66,80 triệu đồng/lượng

SJC TP.HCM: 66,00 triệu đồng/lượng - 66,80 triệu đồng/lượng 

Doji TP.HCM: 66,10 triệu đồng/lượng -  66,80 triệu đồng/lượng

Giá lợn hơi tăng giảm trái chiều

Bản tin Tiêu dùng 7/9: Châu chấu trở thành đặc sản với giá đắt đỏ - Ảnh 2

Tại khu vực miền Bắc, thị trường lợn hơi điều chỉnh tăng cao nhất 2.000 đồng/kg. 

Cụ thể, sau khi tăng nhẹ một giá, thương lái tại Vĩnh Phúc và Bắc Giang hiện đang thu mua lợn hơi lần lượt là 67.000 đồng/kg và 68.000 đồng/kg. 

Tương tự, tỉnh Tuyên Quang tăng 2.000 đồng/kg lên mức 67.000 đồng/kg.

Tỉnh Hưng Yên và Thái Bình tiếp tục neo tại ngưỡng cao nhất khu vực là 69.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg.

Thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên đồng loạt đi ngang so với ngày hôm qua. 

Hiện tại, mức giao dịch thấp nhất khu vực là 59.000 đồng/kg tiếp tục được chứng kiến tại tỉnh Bình Thuận.

Các tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Lâm Đồng và Quảng Bình đang lần lượt giao dịch với giá 60.000 đồng/kg, 63.000 đồng/kg và 64.000 đồng/kg. 

Ngoại trừ Thanh Hóa đang neo tại ngưỡng 66.000 đồng/kg, các tỉnh thành còn lại giữ nguyên giá ổn định là 65.000 đồng/kg.

Hiện tại, giá thu mua lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên dao động trong khoảng 59.000 - 66.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, giá lợn hơi tăng giảm khác nhau 1.000 - 2.000 đồng/kg. 

Theo đó, Vũng Tàu và Tiền Giang cùng điều chỉnh giá thu mua lợn hơi lên mức 65.000 đồng/kg, tăng nhẹ 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua. 

Ở chiều ngược lại, sau khi hạ một giá, tỉnh Vĩnh Long đang neo tại mức 65.000 đồng/kg. 

Tương tự, mức giá được ghi nhận tại Cà Mau là 63.000 đồng/kg sau khi giảm 2.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi khu vực miền Nam hôm nay dao động trong khoảng 60.000 - 66.000 đồng/kg.

Giá xăng nhập đã rớt xuống mức 19.000 đồng

Bản tin Tiêu dùng 7/9: Châu chấu trở thành đặc sản với giá đắt đỏ - Ảnh 3

Lần đầu tiên, sau 8 tháng, giá xăng nhập rớt mạnh dưới mức 100 USD/thùng. Theo dữ liệu mới cập nhật của Bộ Công thương, ngày 6/9 giá xăng A95 nhập khẩu từ Singapore rớt xuống 96 USD/thùng.

Mức giá này tương đương với đầu tháng 1/2022, thời điểm đó, giá xăng trong nước RON 95) là 23.295 đồng. Nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường 3.300 thì giá xăng chỉ còn 19.995 đồng/lít.

Giá xăng nhập giảm mạnh vì giá dầu thô toàn cầu liên tục lao dốc trong thời gian dài trươc đó. Có thời điểm giá dầu WTI rớt dưới mức 90 USD/thùng.

Phiên giao dịch ngày 6/9, giá dầu thô toàn cầu có xu hướng nhích nhẹ. Nguyên nhân, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vừa cắt giảm sản lượng nhằm tránh việc giá dầu rớt sâu. Nhưng đáng ngạc nhiên, OPEC chỉ cắt giảm sản lượng rất nhỏ, khoảng 100.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 10.

Thực tế, mức sản lượng này xem như OPEC không cắt giảm vì đúng bằng mức tăng 100.000 thùng mà khối này đã thực hiện vào những tháng trước. Do đó, giá dầu không tăng quá mạnh. Hiện, giá dầu WTI vẫn dưới 90 USD/thùng và dầu Brent cũng chỉ ở mức 95 USD.

Từ đầu tháng 6 đến nay, giá dầu đã giảm khoảng 25%, sau khi chạm mức cao nhất vào tháng 3. Sự suy giảm giá dầu đến từ việc tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu do việc tăng lãi suất và Trung Quốc thực thi zero COVID khiến nhu cầu dầu giảm mạnh.

Châu chấu trở thành đặc sản với giá đắt đỏ

Bản tin Tiêu dùng 7/9: Châu chấu trở thành đặc sản với giá đắt đỏ - Ảnh 4

Là loài côn trùng chuyên phá hoại mùa màng, nhiều năm qua, châu chấu là nỗi kinh hoàng đối với nhiều nước trên thế giới khi chúng phá hoại hàng trăm ngàn hecta hoa màu, thậm chí là tấn công vào cả nhà dân. Tuy nhiên, tại Việt Nam, châu chấu lại được coi là đặc sản được rao bán khắp nơi với giá khá đắt đỏ.

Không chỉ xuất hiện tại các quán bia, quán nhậu hay trên các chợ online, châu chấu còn được bán tại các khu chợ mua bán chim cảnh để làm thức ăn cho chim. Ngoài ra, một số đơn vị còn tiến hành thu mua châu chấu về chế biến thành món châu chấu sấy giòn, châu chấu rang lá chanh để phục vụ khách hàng.

Vừa bỏ số tiền 250 nghìn đồng để mua 1kg châu chấu về rang lá chanh cho cả nhà ăn, chị Lê Thị Huế, trú tại Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, châu chấu chỉ có nhiều nhất vào tháng 8-9 dương lịch nên chị phải tận dụng mua về chế biến.

Không chỉ mua châu chấu sống về chế biến, khi không đúng mùa, chị Huế còn từng mua 1 túi châu chấu rang sẵn với giá 300 nghìn đồng/400g châu chấu để ăn cho bõ thèm. Với giá này, mỗi kg châu chấu có giá lên tới 750 nghìn đồng.

Ngoài châu chấu lúa được bán với giá từ 200-250 nghìn đồng/kg cho khách hàng mua về làm mồi nhậu thì trên thị trường còn rao bán cả loại châu chấu chuyên để làm thức ăn cho chim cảnh với giá từ 450-500 nghìn đồng/kg, đó là châu chấu cốm.

Châu chấu cốm có màu xanh như cốm, chưa có cánh dài, chỉ to bằng ngón tay út trở xuống, xuất hiện ở những cánh đồng hoang từ tháng 2 đến hết tháng 8.

Hương Trà (t/h)