Bàn về câu chuyện dân số

Các quốc gia, dù dân số ít hay nhiều đều phải quan tâm đến chất lượng dân số. Và đó cũng là mục tiêu hướng đến của mỗi quốc gia đang phát triển. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đòi hỏi năng lực quản trị quốc gia, tư duy điều hành kinh tế - xã hội, cùng không thể thiếu được các nhân tố khách quan: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Đất nước có nền hòa bình ổn định, trong ấm, ngoài êm, thiên nhiên ưu đãi, mới có thể thực hiện được ước mong ấy.

Bàn về câu chuyện dân số - Ảnh 1

Quốc gia nào có lực lượng lao động trẻ, đào tạo bài bản chiếm ưu thế về số lượng, lại ở giai đoạn “dân số vàng”, mọi người đều chịu khó lao động, làm ăn chăm chỉ, có ý thức tiết kiệm, luôn ủng hộ những chính sách kinh tế đúng đắn, tốt đẹp của Chính phủ đó là những biểu hiện tích cực về chất lượng nguồn nhân lực. Và đương nhiên sẽ có nhiều khả năng, cơ hội cho đất nước mạnh giàu nhanh hơn. Đánh giá chất lượng dân số thường căn cứ trên cơ cấu dân số, độ tuổi, trình độ học vấn, thu nhập, mức sống, chất lượng an sinh xã hội, tuổi thọ trung bình, sự phân hóa giàu nghèo...

Dân số nước ta hiện hơn 100 triệu, đã bước quan thời kỳ dân số vàng, số lượng lao động trẻ có trình độ cao còn ở mức khiêm tốn. Nguy cơ già hóa dân số đang hiện hữu trong đó có nguyên nhân tỷ lệ sinh suy giảm, mất cân đối về giới tính chưa tương quan hợp lý với điều kiện kinh tế - xã hội. Đất chật, người đông, tài nguyên có hạn, đang cạn kiệt dần do khai thác chưa hợp lý, người già nhiều hơn người trẻ trong độ tuổi lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao... đều là lực cản của sự phát triển, mục tiêu làm giàu.

Nước ta đã và đang chịu tác động tiêu cực của tình hình chính trị kinh tế - xã hội thế giới; đại dịch covid -19, cơn bão Yagi... Việc thay đổi chính sách sinh đẻ của Chính phủ nhằm phù hợp với thực tiễn tuy có chậm nhưng hết sức cần thiết để khắc phục những hạn chế về dân số. Là nước có số lượng dân số cao, nhưng lại hạn chế về chất lượng, thiếu lao động trẻ trong khi nguồn lực tài nguyên hạn chế. Vì thế, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, thay đổi nhiều chính sách kinh tế - xã hội mang tính đột phá sẽ góp phần nâng dần chất lượng dân số, làm xoay chuyển cục diện khó khăn về nguồn lực để chăm sóc đời sống người dân nói chung, người lao động nói riêng, nhất là thế hệ trẻ. Sự chuyển đổi mau lẹ của lực lượng lao động theo hướng số hóa, tự động hóa, áp dụng công nghệ cao, trong đó có trí tuệ nhân tạo AI đã làm thay đổi tư duy quản trị đất nước, xã hội với sự tham gia mạnh mẽ của công nghệ số. Giờ đây, mọi người phải nhận biết và hiểu sâu, thành thục công nghệ để trở thành công dân số toàn cầu thời hội nhập. Phong trào “bình dân học vụ số”, “chiến sĩ số”, “ chính quyền số” do Thủ tướng Chính phủ phát động cũng nhắm đến mục tiêu trên. Tư duy và các giải pháp nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi cần sớm thay đổi để giúp họ sống vui, sống khỏe, sống có ích, nhất là những người có tri thức, trí tuệ cao sau khi nghỉ hưu. Để rồi, một bộ phận lực lượng lao động sau tuổi 60, nếu còn sức khỏe, mẫn tiệp, ưa thích làm việc vẫn có thể tiếp tục cống hiến cho xã hội như cách sử dụng lao động ở các nước phát triển. Đảng và Chính phủ đang triển khai quyết liệt mục tiêu đặt người dân làm đối tượng trung tâm phục vụ của mọi chính sách.

Bàn về câu chuyện dân số - Ảnh 2

Nâng cao chất lượng dân số bằng cách chăm lo chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân, đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, y tế, hạ tầng cơ sở vật chất cho việc ăn, ở đi lại của người dân. Thời gian qua, Đảng, Chính phủ đề ra nhiều quyết sách táo bạo, có tính cách mạng, đột phá, toàn diện ở hầu hết các lĩnh vực. Việc làm ấy đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng cao và lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước. Hiệu quả ra sao cũng cần phải kiểm chứng bằng thời gian, nhưng đây là những chỉ dấu tích cực cho bước chuyển mình mới của toàn hệ thống chính trị, của bộ máy mới theo 2 cấp, vận hành từ 1/7/2025 cũng không ít khó khăn thách thức còn đang chờ chúng ta ở phía trước.

Để đạt mục tiêu trên, Đảng, Nhà nước, Chính phủ tích cực triển khai các hoạt động chăm sóc người cao tuổi, điều chỉnh mức sinh con tự nguyện, nâng cao chất lượng nguồn lao động trẻ; tạn dụng tối đa nguồn lao động từ người cao tuổi, sau khi nghỉ hưu theo tinh thần tiết kiệm tối đa, tránh lãng phí tài nguyên chất sám ở họ. Cùng với đó là việc thu hút trí tuệ, tinh thần cống hiến của kiều bào ta ở nước ngoài. Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước có nhiều điểm mới, ưu việt, tiến bộ được thể hiện trong nội dung Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, trong đó có thay đổi một số điều của hiến pháp, sửa đổi nội dung một số luật chuyên ngành: thông qua nhiều nghị quyết quan trọng khắc phục những bất cập hiện hành: chính sách thuế với các hộ kinh doanh, thuế báo chí, quản lý thị trường vàng; bỏ quy định tử hình đối với một số tội danh...

Không chỉ nước ta, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang ở tình trạng tương tự như chúng ta. Dân số Trung Quốc năm 2024 là 310 triệu người cao tuổi (22% dân số), 220 triệu người trên 65 tuổi (15,5% dân số) ½ trong số đó sống đơn thân. Đó là thách thức lớn đối với hệ thống chăm sóc người già. Nhật Bản dân số già chiếm tỷ lệ cao, thiếu nguồn nhân lực nhất là các vùng nông thôn, ngoài việc thay đổi chính sách để thu hút nguồn lao động ở nước khác, họ đang phải khuyến khích người già tiếp tục làm việc cho đất nước thông qua chính sách đãi ngộ tương xứng. Hàn Quốc đang sử dụng robot để lấp khoảng trống nguồn lao động. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Nga... đều trong tình trạng tỷ lệ sinh giảm. Chính phủ các nước này đang phải tìm mọi cách để khắc phục tình trạng mất cân đối nguồn lực già, trẻ. Họ quan tâm đầu tư cho hệ thống chăm sóc người già hay được gọi là gánh nặng xã hội. Số lượng và chất lượng dân số là vấn đề mang tính kinh tế -xã hội cao ảnh hưởng quyết định đến tốc độ và chất lượng nền kinh tế của quốc gia.

Vì thế, câu chuyện dân số luôn mang tính thời sự. Người già muốn có cuộc sống khỏe mạnh, sống thọ; lớp trẻ muốn có cuộc sống no đủ, được tự do thực hiện ước mơ, hoài bão, thoải mái sáng tạo của mình. Không chỉ nghĩ cho mình, mọi người Việt Nam còn có trách nhiệm với lợi ích chung của đất nước, cộng đồng nên ai cũng phải hăng say lao động, có ý thức đóng góp, hiến kế để cùng nhau trả lời câu hỏi làm thế thực hiện được giấc mơ giàu trước khi già?

VĂN HÙNG

Từ khóa: