Bao bì xanh: Xu hướng tất yếu của ngành lương thực, thực phẩm

Trong bối cảnh phát triển bền vững đang trở thành xu hướng chung trên thế giới, bao bì xanh đang trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm.

Tại Việt Nam, cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) có hiệu lực vào tháng 1-2024 buộc các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm với các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải có trách nhiệm thu gom, tái chế bao bì sau khi sử dụng.

Trên thế giới, ngày càng có nhiều rào cản xanh được đặt ra đối với bao bì ngành lương thực, thực phẩm. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến chiến lược "từ trang trại đến bàn ăn" thuộc thỏa thuận xanh EU". Chiến lược này yêu cầu các sản phẩm muốn vào EU buộc phải xanh hóa về thiết kế, chất liệu bao bì, tăng cường các thông tin về các đặc tính xanh của sản phẩm trên nhãn...

 Bao bì xanh: Xu hướng tất yếu của ngành lương thực, thực phẩm - Ảnh 1

Theo khảo sát của Vietnam Report, tính bền vững của bao bì cũng ngày càng được người tiêu dùng quan tâm hơn. Cụ thể, có 57,4% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho bao bì thân thiện với môi trường nếu giá cả không quá chênh lệch so với sản phẩm thông thường; 41,1% người tiêu dùng luôn ưu tiên lựa chọn dù giá cao hơn.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm cần chuyển đổi sang sử dụng bao bì xanh. Có 5 xu hướng bao bì xanh phổ biến trên thế giới hiện nay gồm:

Refusal (từ chối sử dụng): Các doanh nghiệp khuyến khích người tiêu dùng mang theo chai, bình khi mua hàng, hoặc cung cấp dịch vụ refill (đổ đầy lại) để giảm thiểu lượng bao bì dùng một lần.

Reduce (giảm lượng, mức sử dụng): Các doanh nghiệp giảm độ dày, số lớp bóng, lượng nhựa sử dụng để giảm trọng lượng bao bì, từ đó giảm lượng rác thải.

Reuse (tái sử dụng): Các doanh nghiệp khuyến khích người dùng tái sử dụng bao bì sau khi sử dụng, chẳng hạn như bao bì thủy tinh, kim loại.

Recycle (tăng khả năng tái chế): Các doanh nghiệp sử dụng các chất liệu có thể tái chế, chẳng hạn như nhựa tái sinh, giấy tái chế.

Rot (bao bì hữu cơ, bao bì thân thiện môi trường): Các doanh nghiệp sử dụng các chất liệu hữu cơ có thể phân hủy sinh học, chẳng hạn như bao bì giấy kraft, bao bì từ bột ngô.

Để triển khai các xu hướng bao bì xanh, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư về công nghệ, thiết kế, cũng như thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Tuy nhiên, đây là một xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm có thể phát triển bền vững trong dài hạn.

Bảo Anh