Bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu

Trong những năm qua hoạt động thương mại, dịch vụ của cả nước phát triển nhanh, liên tục tăng dần qua các năm. Tuy nhiên trong năm 2020, tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường cùng với hạn hán, xâm nhập mặn, mưa, lũ làm ảnh hưởng đến hoạt động thương mại, dịch vụ.

Thông tin từ Tổng cục Thống kê, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động thương mại và dịch vụ không sôi động như những năm trước, người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng, đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng không duy trì được mức tăng như những năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 ước tính đạt 4.976,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm trước.

Phát triển thị trường trong nước được đẩy mạnh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng nhu yếu phẩm, thương mại trong nước ngày càng được cải thiện, nhất là hệ thống bán buôn, bán lẻ…là những dấu ấn của thị trường trong nước năm 2020.

Bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu - Ảnh 1

Đơn cử, trong năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 3.944,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,3% tổng mức và tăng 6,8% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 493,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,9% và giảm 17,2%; dịch vụ và du lịch đạt 538,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% và giảm 10,5%.

Để kịp thời thích ứng với khó khăn và thách thức do tác động của dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, kích cầu tiêu dùng, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.

Để đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ năm 2021 cũng như giai đoạn 2021-2025 cần thực hiện một số giải pháp về thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị.

Tăng cường gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo ổn định đầu vào đầu ra. Tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.

Tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hoà giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn (khu vực, vùng, miền và cả nước); hoàn thiện hệ thống chợ truyền thống trên cơ sở nâng cấp các chợ ở khu vực nông thôn, miền núi; khuyến khích phát triển các mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng; phát triển các kênh phân phối, thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước, bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu.

Hà My