Bảo đảm bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều địa phương đã lên kế hoạch, chủ động phương án hoặc đề xuất với cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường; Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Nhiều địa phương đã lên kế hoạch sản xuất hàng hoá tết, cân đối chi phí, nhằm đảm bảo không có biến động giá cả trên thị trường - Ảnh minh họa.
Nhiều địa phương đã lên kế hoạch sản xuất hàng hoá tết, cân đối chi phí, nhằm đảm bảo không có biến động giá cả trên thị trường - Ảnh minh họa.

Cuối tháng 10/2022, trong Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về công tác quản lý, điều hành giá 9 tháng đầu năm 2022 và định hướng các tháng tiếp theo, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có giải pháp, điều hành, bình ổn giá phù hợp. Sau kết luận của Phó Thủ tướng, nhiều địa phương đã lên kế hoạch sản xuất hàng hoá tết, cân đối chi phí, nhằm đảm bảo không có biến động giá cả trên thị trường.

Cụ thể, Thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch sản xuất hàng Tết, cân đối chi phí, nhằm bảo đảm không có biến động giá cả. Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, trong đó dự báo nhu cầu mua sắm tăng hơn cùng kỳ năm trước cùng kế hoạch cung ứng nguồn hàng hóa ước tính khoảng 39,5 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm trước).

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội thông tin trên báo chí: Hiện nay đã có 44 doanh nghiệp trên địa bàn cam kết bình ổn giá hàng hóa, tập trung chủ yếu vào gạo, thịt lợn, thủy hải sản… Tổng mức dự trữ hàng hóa của các doanh nghiệp tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng hóa bình ổn chiếm 35% trong tổng lượng hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân. Khoảng 1.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi được 7 ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.

Cùng với đó, Sở Công Thương Hà Nội đôn đốc 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, 2.000 cửa hàng tiện lợi… trên địa bàn chuẩn bị tốt nguồn hàng, bảo đảm cung cầu hàng hóa. Riêng chợ truyền thống, nơi cung cấp 75% lượng hàng hóa, Sở yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, niêm yết và bán hàng đúng giá niêm yết…

Khách hàng mua sắm tại siêu thị WinMart Times City.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị WinMart Times City.

Tại Vĩnh Phúc, để đảm bảo chuẩn bị đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ trước trong và sau Tết, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa tiêu dùng lưu thông trên thị trường, mới đây, Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Kế hoạch bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Theo đó, các doanh nghiệp (DN), cơ sở SXKD thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cần phân tích, đánh giá, dự báo nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng và năng lực SXKD của đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch và phương án sản xuất, kinh doanh (SXKD), dự trữ lượng hàng hóa tăng 10 -15% so với các tháng trong năm để đảm bảo nhu cầu thị trường. Nhất là với các hàng hóa thiết yếu, tránh không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.

Ngành công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", triển khai Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp; chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm, đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ cuối tháng 10/2022, Ban chỉ đạo 389 tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Kế hoạch Cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả những tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; yêu cầu các ngành, lực lượng chức năng, và chính quyền địa phương các cấp phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, tránh chồng chéo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm.

Cụ thể, từ nay đến hết quý I/2023, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra xử lý tình trạng vận chuyển các mặt hàng cấm như: tiền giả; pháo các loại; gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm dịch; hàng tiêu dùng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân; mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng…

Đồng thời, tập trung kiểm tra việc sản xuất, bày bán trái phép các loại hàng hóa, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh, chấp hành chế độ hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm. Kịp thời phát hiện và triệt phá các tụ điểm tập kết, cất giấu, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả…

Trước lo ngại về tình trạng sốt giá mỗi dịp Tết, Sở Công thương Vĩnh Phúc cũng đã giao thanh tra sở tăng cường công tác quản lý kiểm tra việc niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa, hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hoá kịp thời, đáp ứng nhu cầu thị trường, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, gây đột biến giá trong 2 tháng cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cũng vừa có văn bản đề nghị các đơn vị phối hợp triển khai thực hiện.

Trong đó, đối với các đơn vị kinh doanh hàng hóa cần khẩn trương dự báo nhu cầu tiêu dùng và sản xuất về hàng hóa trên thị trường để chuẩn bị nguồn hàng và xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, tổ chức cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời trong dịp Festival Hoa Đà Lạt 2022, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023; đăng ký kế hoạch dự trữ và bán hàng bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ưu tiên cung ứng hàng hóa phục vụ Tết là hàng Việt, chú trọng tới 3 nhóm hàng chính là: Nhóm lương thực (gạo, nếp, đậu xanh); nhóm thực phẩm (muối, đường, dầu ăn, bột ngọt, lạp xưởng, giò, chả, nem chua, thịt nguội, xúc xích, bánh, mứt, kẹo, hạt dưa, hạt bí, sữa các loại); nhóm thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, cá, tôm, trứng gia cầm, thực phẩm đông lạnh, rau củ quả, trái cây).

Ban quản lý chợ và doanh nghiệp quản lý chợ sớm triển khai tới các thương nhân kinh doanh trong chợ về xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, đăng ký kế hoạch bán hàng bình ổn thị trường và tổ chức cung ứng hàng hóa phục vụ tiêu dùng Tết.

Đồng thời, trong thời gian từ nay đến hết Tết Nguyên đán năm 2023, phối hợp với các thương nhân kinh doanh trong chợ thường xuyên nắm bắt tình hình thị trường để kịp thời đưa ra các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng nhiều hàng sau Tết.