Bất động sản tiếp tục là lĩnh vực đứng vị trí thứ 2 trong thu hút dòng vốn FDI

Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng vốn FDI tính đến hết ngày 20/4 đăng ký vào Việt Nam, gồm vốn đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, đạt gần 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kinh doanh BĐS là lĩnh vực đứng vị trí thứ hai trong thu hút dòng vốn FDI, với hơn 1,6 tỷ USD (đứng đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đăng ký đạt gần 5 tỷ USD). Như vậy, so với cùng kỳ năm 2023, vốn FDI đổ vào BĐS đã tăng hơn 4 lần.

Bất động sản tiếp tục là lĩnh vực đứng vị trí thứ 2 trong thu hút dòng vốn FDI.  
Bất động sản tiếp tục là lĩnh vực đứng vị trí thứ 2 trong thu hút dòng vốn FDI.  

Các chuyên gia cho rằng, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào BĐS chứng tỏ BĐS vẫn là thị trường tiềm năng, có cơ hội phát triển lớn.

Phân tích của các chuyên gia lĩnh vực tài chính BĐS cho thấy, Việt Nam đã và đang lọt vào tầm ngắm của lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trongbối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động, một quốc gia mới nổi như Việt Nam đã trở thành thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn ở một thị trường chính là yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia Savills nhận định, mỗi phân khúc bất động sản của thị trường Việt Nam trong năm 2024 đều có những điểm nhấn đầu tư riêng thu hút nhà đầu tư ngoại.

Động lực rất quan trọng tạo nên sức hấp dẫn mới cho thị trường bất động sản thời gian tới là tác động tích cực của Luật Đất đai sửa đổi kỳ vọng sẽ có hiệu lực sớm từ ngày 1/7/2024.

Cùng với đó, các luật khung quan trọng liên quan trực tiếp đến thị trường là Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cũng đồng thời có hiệu lực tạo sự đồng bộ về pháp lý cho lĩnh vực này.

Mặt khác, trong bối cảnh chứng khoán có nhiều biến động, vàng liên tục tăng giá, lãi suất tiết kiệm về mức thấp nhất (khoảng 4 - 5% cho kỳ hạn 12 tháng) thì bất động sản vẫn sẽ là kênh đầu tư nhiều triển vọng. Với riêng các nhà đầu tư nước ngoài, văn phòng cho thuê và bất động sản công nghiệp là hai phân khúc được quan tâm nhiều nhất và dự báo sẽ rất sôi động trong năm 2024.

Năm 2024, bất động sản công nghiệp được đánh giá sẽ tiếp tục là phân khúc tăng trưởng tốt nhờ dòng vốn FDI hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế. Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại, dịch vụ phụ trợ khu công nghiệp liên tục cải thiện. Nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo.

Với lượng vốn FDI liên tục gia tăng, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về mặt bằng, kho bãi để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Do đó, bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng thời gian tới.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư gần đây quan tâm nhiều đến bất động sản công nghiệp xanh. Khảo sát 200 doanh nghiệp FDI của KPMG cho thấy, bên cạnh các ưu tiên như vị trí, nguồn nhân lực, hạ tầng logistics, khu công nghiệp xanh được các doanh nghiệp FDI ưu tiên khi lựa chọn địa điểm đầu tư.

Tiến Hoàng (tổng hợp)