Ông Hà Trung Cang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái đang ngày một tinh vi, phức tạp với phương thức, thủ đoạn thường xuyên thay đổi, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng khi thực hiện nhiệm vụ.
Đa phần các đối tượng lợi dụng tiêu chí “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” để giả mạo nhãn mác hàng Việt Nam. Hàng hóa nhập lậu bằng đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt về các kho chứa hàng. Sau đó, các đối tượng vi phạm đã sử dụng hình thức thương mại điện tử để phổ biến, giới thiệu, phân phối các sản phẩm, hàng hóa nhập lậu cũng như xâm phạm quyền, giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu đến tận tay người tiêu dùng bằng phương thức giao hàng online.
Kinh doanh hàng giả, vốn đầu tư thấp nhưng lợi nhuận thu về rất cao nên một số tổ chức, cá nhân, mặc dù đã bị lực lượng chức năng xử lý nhiều lần, vẫn tiếp tục vi phạm, có hiện tượng xem thường pháp luật.
Theo các chuyên gia, Để triệt tận gốc và xử lý nghiêm những trường hợp bán hàng kém chất lượng tràn lan trên các chợ online hiện nay cần phải kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; hàng hóa được làm giả ngay tại Việt Nam hay nhập khẩu…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan như công an, bộ đội biên phòng, hải quan, Bộ TT&TT, cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
Cục TMĐT và Kinh tế số đang phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng "Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT giai đoạn 2021-2025" với nhiều nội dung và giải pháp đồng bộ, có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan.
Theo Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 (Kế hoạch 888), Tổng cục Quản lý thị trường đặt mục tiêu cụ thể hàng năm để đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm bản quyền hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ không những ở thương mại truyền thống mà cả không gian TMĐT.
Trong đó, Bộ TT&TT đề xuất bỏ quy định các tổ chức, doanh nghiệp muốn quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Bỏ quy định trước khi quảng cáo 15 ngày, tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý có thẩm quyền thông tin của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam. Bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới...
Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường cũng kết hợp với các cơ quan chức năng trao đổi thường xuyên hơn thông tin về hàng giả hàng nhái; kết hợp các hiệp hội, cơ quan báo chí để xử lý và ngăn chặn những vi phạm, tạo môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về việc quảng cáo, bán hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng xuyên biên giới, hiện nay, Bộ TT&TT đang hoàn thiện, xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định số 181/2013/NĐ-CP.