Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển

Nhận định tình hình kinh tế - xã hội 2023 còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính sẽ tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp (DN) phát triển, trước mắt, có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Đó là nội dung mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên trước thềm năm mới Quý Mão 2023.

Phóng viên: Thư Bộ trưởng, trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng đối mặt không ít rủi ro về tỷ giá, lãi suất, lạm phát, yếu tố nào đã giúp ngành Tài chính sớm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tình hình thế giới năm 2022 tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động không thuận đến nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Xung đột vũ trang Nga - Ukraine leo thang từ cuối tháng 02/2022, kết hợp với việc thực thi chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng cao, rủi ro an ninh năng lượng, lương thực trên toàn cầu gia tăng.

Lạm phát tăng cao, các nước lớn điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt, tăng lãi suất, tiềm ẩn nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn trên thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường bất động sản khó khăn. Thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn ở nhiều quốc gia. Các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2022-2023, trong đó một số quốc gia như Anh, Đức, Italia,... đã có dấu hiệu rơi vào suy thoái.

Ở trong nước, dịch Covid-19 được kiểm soát; việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã bước đầu phát huy hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, giúp nền kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; hệ số tín nhiệm quốc gia tiếp tục được cải thiện. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đánh giá hoàn thành, trong đó đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu chủ yếu, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức 4%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 9,5%, xuất siêu khoảng 10 tỷ USD; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi được quan tâm thực hiện tốt.

Mặc dù vậy, quá trình điều hành đã phát sinh nhiều khó khăn, giá xăng dầu và các nguyên liệu đầu vào tăng cao làm tăng chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tăng áp lực kiểm soát lạm phát; việc điều chỉnh tăng mạnh lãi suất của FED và một số nước tạo áp lực lên tỷ giá; một số thị trường xuất khẩu vẫn còn khó khăn; thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế; thị trường bất động sản khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công chậm; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường… tác động không thuận đến việc thực hiện các nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.

- Nền kinh tế dự kiến đối mặt với không ít rủi ro bất định trong năm 2023 như lạm phát và đứt gãy chuỗi sản xuất – cung ứng, Bộ Tài chính đã chuẩn bị những gì để ứng phó với rủi ro sắp tới?

Để giảm thiểu tác động từ bên ngoài, kiềm chế lạm phát, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho DN phát triển, trước mắt, có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm 2023.

Trước những khó khăn trên, ngành Tài chính đã xác định thu ngân sách sẽ phải đối diện với những áp lực lớn và đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu cho cả năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách (NS) theo Nghị quyết của Quốc hội. Để đạt được kết quả này thì trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp như:

Một là, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa nhằm phục hồi và phát triển KT-XH, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Chính phủ về dự toán NSNN và các Nghị quyết mới của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội có những giải pháp mới phù hợp tình hình thực tiễn.

Hai là, nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp về quản lý thu NSNN và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thu NSNN, đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra..

Ba là, chủ động rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi NSNN; sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, thực hiện quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, cơ cấu nợ công trong giới hạn; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; tăng cường quản lý hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả, thị trường (nhất là đối với các nhóm hàng năng lượng, vật liệu xây dựng, sắt thép...).

Năm là, thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và thể chế; đẩy mạnh công tác giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác truyền thông, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.

- Theo dự toán năm 2023, tổng thu ngân sách là 1.620.700 tỉ đồng – tăng 0,41% so với tổng thu ước tính năm 2022. Ngoài ra, tổng thu ngân sách/GDP đạt gần 15,7% - thấp khá xa so với nhiều năm trước. Việc đặt mục tiêu tăng thu ngân sách với mức thấp như vậy liệu có quá thận trọng?

Tại kỳ họp thứ 4 khóa XV Quốc hội đã thông qua dự toán tổng thu NSNN năm 2023 là 1.620,744 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với ước thực hiện năm 2022; tỷ lệ huy động NSNN đạt 15,7%GDP.

Đúng là nhìn vào số liệu thì dự toán thu NSNN năm 2023 khá thận trọng so với ước thực hiện năm 2022, tỷ lệ huy động NSNN so GDP cũng ở mức thấp. Tuy nhiên, phân tích sâu từng yếu tố thì mức dự toán nêu trên là phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước dự báo cho năm 2023.

Chúng ta biết rằng, trong bối cảnh hiện nay khi tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước diễn biến nhanh, khó dự báo, các yếu tố khó khăn xuất hiện ngày càng nhiều. Trên thế giới, một số nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái, áp lực lạm phát gia tăng; xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lước giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, các vấn đề an ninh – quốc phòng, chủ quyền quốc gia, biến đổi khí hậu và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác. Trong nước, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn; năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh chưa cao; thị trường tài chính, thị trường vốn chịu ảnh hưởng bởi thế giới, cũng như tác động từ các vụ việc vi phạm pháp luật của một số tổ chức, cá nhân. Vì vậy, để chủ động trong điều hành, việc xây dựng dự toán thu NSNN năm 2023 chắc chắn, phù hợp với khả năng của nền kinh tế là yêu cầu rất cấp thiết.

Thu NSNN bao gồm thu nội địa, thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu. Một số khoản thu phụ thuộc lớn vào môi trường bên ngoài có xu hướng suy giảm do nhu cầu, thị trường bị thu hẹp, như khoản thu dầu thô phụ thuộc vào năng lực khai thác dầu thô trong nước và giá dầu thô trên thị trường thế giới; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ngoài việc phụ vào thị trường, giá cả, cung cầu hàng hóa của thế giới, thì còn phụ thuộc vào lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế về thuế;... Đối với khoản thu nội địa, nếu loại trừ các yếu tố phát sinh năm 2022 không tiếp tục phát sinh năm 2023 và các khoản thu dự kiến sụt giảm lớn năm 2023 do chịu tác động từ môi trường khách quan (như: thu từ thị trường bất động sản; ...), thì thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng khoảng 8,9% so với ước thực hiện năm 2022, cao hơn cả mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra. Chưa kể những biến động kinh tế gần đây cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục có giải pháp về chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Với tác động khách quan đó, mức dự toán thu NSNN năm 2023 được Quốc hội quyết định là tích cực, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng các yếu tố, đảm bảo chủ động linh hoạt trong điều hành trong điều kiện kinh tế có nhiều biến động. Trong tổ chức thực hiện, trường hợp thu ngân sách năm 2023 vượt so với dự toán sẽ ưu tiên bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương, giảm bội chi ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội.

- Thực tế, số giải ngân và tỷ lệ giải ngân cho đầu tư phát triển (đầu tư công) những năm gần đây thường không hoàn thành mục tiêu đề ra. Theo Bộ trưởng, nguyên nhân nào dẫn tới vấn đề này và giải pháp của Bộ Tài chính để hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2023?

Hiện nay, kế hoạch đầu tư nguồn NSNN năm 2023 đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 với số vốn kỷ lục 726.684,344 tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 1513/QĐ-TTG ngày 3/12/2022 giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023. Như vậy, áp lực giải ngân các dự án trong năm 2023 là rất lớn.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, chúng tôi đề nghị các bộ, cơ quan trung ương cần quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Để khơi thông các vướng mắc trong chế độ chính sách, các bộ chủ trì sớm đề xuất sửa đổi các nội dung còn vướng mắc trong quy định của pháp luật về đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên môi trường,...

trên cổng thông tin dịch vụ công quốc gia để chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Về phía Bộ Tài chính với chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là về quy trình thủ tục thanh toán đã thực hiện đơn giản hoá thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát chi tại cơ quan thanh toán xuốNg chỉ từ 01-03 ngày làm việc.

Đồng thời, Bộ cũng đã quyết liệt chỉ đạo Kho bạc nhà nước đẩy mạnh việc giao nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư, công khai minh bạch quá trình xử lý hồ sơ tại cơ quan kiểm soát thanh toán.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

CÔNG MINH

Từ khóa: