Theo quyết định, đoàn số 1 do Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm trưởng đoàn sẽ kiểm tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc (25 tỉnh, thành phố).
Đoàn số 2 kiểm tra vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố), do tiến sỹ Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm trưởng đoàn.
Đoàn số 3 kiểm tra vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ (11 tỉnh, thành phố), do tiến sỹ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm trưởng đoàn.
Đoàn số 4 kiểm tra vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố), do tiến sỹ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm trưởng đoàn.
Các đoàn kiểm sẽ tra lập danh sách các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố; lựa chọn kiểm tra 1 - 2 bệnh viện trực thuộc Bộ (đa khoa - chuyên khoa. Với vùng Tây Nguyên chưa có bệnh viện trực thuộc Bộ nên chọn thay thế bằng bệnh viện vùng Tây Nguyên. Lựa chọn 1 - 2 bệnh viện tỉnh trong vùng (ưu tiên chọn các tỉnh vùng khó khăn. Mỗi đoàn sẽ kiểm tra ít nhất 1 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 1 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh và 1 bệnh viện/trung tâm y tế huyện.
Việc kiểm tra nhằm khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh và khảo sát, ghi nhận tác động của việc thiếu hụt này tới chất lượng khám chữa bệnh, sự hài lòng của người dân, nhân viên y tế. Đồng thời xác định khó khăn, vướng mắc mang tính chất khách quan, chủ quan và đề xuất giải pháp ngắn hạn và dài hạn cho cơ quan quản lý trung ương, địa phương để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Theo Tờ trình của Bộ Y tế gửi Thủ tướng đề xuất ban hành Nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, qua báo cáo của các địa phương, đơn vị tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cụ thể, có 28/34 sở y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc. Các loại thuốc thiếu gồm thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Có 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. 14/34 sở y tế và 8/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.
Vì thế, nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, Bộ Y tế đề xuất một số nội dung trong dự thảo nghị quyết về việc đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Với quy định "Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá công khai và không được mua cao hơn giá công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán", Bộ Y tế đề xuất ghi rõ thời điểm mua sắm, đấu thầu được xác định là thời điểm phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Điều này cũng tương tự với việc mua sắm, đấu thầu thuốc.
Trong dự thảo, Bộ cũng đề nghị làm rõ số đăng ký lưu hành với các thuốc được Bộ Y tế công bố bắt đầu có hiệu lực từ thời điểm nào, quy định về rà soát, công bố giá thuốc kê khai…
Ngoài ra, dự thảo còn có nội dung liên quan đến thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trong đó có đề xuất cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng các máy cho mượn hoặc đặt theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt...