Bưu điện Liên Việt (LPB): Quý III/2022 cho vay tăng trưởng 9,1% so với đầu năm

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB – sàn HOSE) ghi nhận quý III/2022 cho vay tăng trưởng 9,1% so với đầu năm, chỉ tăng 0,5% so với mức tăng 8,6% so với đầu năm cuối quý II/2022. Tuy nhiên, NIM tăng trưởng 66 điểm cơ bản chủ yếu do lãi suất tiền gửi giảm từ 10 – 50 điểm cơ bản trong nửa đầu năm 2022, giúp thu nhập lãi (NII) tăng 58%. Thu nhập ngoài lãi (nonII) tăng 18,3% chủ yếu nhờ thu nhập từ phí tăng 66,4%. Chi phí hoạt động chỉ tăng 8,4%, kéo CIR xuống mức 36,2%, thấp nhất kể từ năm 2016.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo phân tích mới được cập nhật đối với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB), Chứng khoán VNDirect (VND) cho biết, mặc dù LPB đã mạnh tay trích lập dự phòng (tăng 238,3%) nhưng lợi nhuận ròng vẫn tăng 61,1%. Lũy kế 9 tháng năm 2022, lợi nhuận ròng tăng 72,1% đạt 4.822 tỷ đồng, chủ yếu nhờ khoản thu nhập bất thường từ hoạt động chứng khoán trong quý II/2022. Nếu loại khoản này ra, 9 tháng 2022 lợi nhuận ròng tăng 59,4%.

Báo cáo phân tích của VND cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu (NPL) được kiểm soát ở mức 1,4% trong 9 tháng 2022. Kết quả hoạt động tốt trong 9 tháng năm 2022 giúp ngân hàng xử lý tích cực hơn các khoản nợ xấu. VNDirect ước tính LPB đã xử lý xong 462 tỷ đồng nợ xấu và ghi nhận 1.876 tỷ đồng (tăng 110,4%) trong 9 tháng 2022, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) lên mức cao nhất 143,1%, lần đầu gia nhập top 7 các ngân hàng niêm yết.

VNDirect giảm tăng trưởng cho vay 2023 về 10,5% từ mức 11,5% do nhu cầu tín dụng toàn ngành có xu hướng chậm lại. VNDirect kỳ vọng NIM đạt 3,6% năm 2023 và 3,9% năm 2022. VNDirect giảm CIR xuống 40% từ mức 45% dự báo cũ khi ngân hàng đã quản lý chi phí tốt hơn trong 9 tháng năm 2022. Chi phí dự phòng tăng 81,1%/56,7% giai đoạn 2022-2023 khi VNDirect cho rằng nợ xấu có xu hướng gia tăng khi thông tư 14 hết hạn. Kết quả, dự phóng lợi nhuận ròng tăng 5,5%/0,9% so với dự báo cũ giai đoạn 2022-2023.

VNDirect nâng lợi nhuận ròng giai đoạn 2022-2023, tuy nhiên VNDirect giảm P/B về 1,0 lần từ mức 1,5 lần nhằm phản ánh giai đoạn khó khăn đối với ngành ngân hàng khi tín dụng thắt chặt, NIM bị nén và chi phí tín dụng ngày một tăng. Rủi ro giảm bao gồm tăng trưởng cho vay thấp hơn kỳ vọng và nợ xấu cao hơn dự kiến. Tiềm năng tăng giá là khả năng phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược