Cà Mau: Triển vọng mới phát triển kinh tế - mô hình nuôi tôm càng xanh trái vụ

Những năm gần đây, người nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình (Cà Mau) đang triển khai mô hình phát triển kinh tế từ việc sản xuất luân canh một vụ lúa và một vụ tôm càng xanh, trong đó có những vụ nuôi tôm trái vụ đã đem lại hiệu quả, giúp nâng cao đời sống của nhân dân.

Theo đó, trước đây người nông dân ở huyện Thới Bình chủ yếu tập trung thả nuôi 1 vụ tôm càng xanh vào khoảng tháng 6 âm lịch hàng năm và thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán. Đến năm 2022, nhờ áp dụng thành công khoa học – kỹ thuật nuôi tôm càng xanh thời điểm trái vụ, một số hộ nuôi tôm ở xã Trí Lực thuộc huyện Thới Bình bắt đầu triển khai nuôi tôm càng xanh trái vụ.

Nhờ áp dụng thành công khoa học - kỹ thuật trong việc nuôi tôm càng xanh, người nông dân tỉnh Cà Mau đã nuôi được những vụ tôm trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế (ảnh CTT ĐT tỉnh Cà Mau).
Nhờ áp dụng thành công khoa học - kỹ thuật trong việc nuôi tôm càng xanh, người nông dân tỉnh Cà Mau đã nuôi được những vụ tôm trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế (ảnh CTT ĐT tỉnh Cà Mau).

Nuôi tôm càng xanh trái vụ, người nông dân sẽ nuôi theo hình thức 2 giai đoạn; khi vào mùa nước lợ, người nuôi tiến hành ương dưỡng con giống trong ao dèo, sau khoảng 2 tháng tiến hành thả vào ao nuôi và tiếp tục thả nối tiếp con giống vào ao dèo cho vụ sau. Với cách nuôi như vậy, một năm có thể thả nuôi từ 2 - 3 vụ vẫn đảm bảo đạt năng suất.

Ước tính trên diện tích 1ha áp dụng nuôi tôm càng xanh trái vụ của người nông dân nơi đây sẽ cho năng suất bình quân đạt từ 300 – 450 kg/vụ. Những hộ nuôi tôm càng xanh trái vụ mà áp dụng khoa học – kỹ thuật tốt thì năng suất có thể đạt đến khoảng 1 tấn/ha/vụ, đem lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân khi vừa trồng được lúa, vừa nuôi được tôm trong mọi thời điểm.

Mô hình nuôi tôm càng xanh trái vụ không chỉ hiệu quả về mặt năng suất mà còn giúp người nuôi kiểm soát được chất lượng của tôm (ảnh CTT ĐT tỉnh Cà Mau).
Mô hình nuôi tôm càng xanh trái vụ không chỉ hiệu quả về mặt năng suất mà còn giúp người nuôi kiểm soát được chất lượng của tôm (ảnh CTT ĐT tỉnh Cà Mau).

Mô hình nuôi tôm càng xanh trái vụ không chỉ hiệu quả về mặt năng suất, hình thức nuôi tôm này còn có thể giúp người nuôi kiểm soát được kích cỡ con tôm. Vào thời điểm thu hoạch, người nuôi chọn những con tôm đạt kích cỡ thu hoạch trước, những con còn nhỏ sẽ tiếp tục nuôi đợi vụ sau để đảm bảo năng suất.

Mô hình mới được triển khai nên giá trị đầu ra cho tôm càng xanh vẫn chưa được ổn định và phải phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của thị trường; hiện nay giá tôm nói chung, giá tôm càng xanh nói riêng khá bấp bênh. Thời điểm năm 2022, giá tôm càng xanh trái vụ dao động từ 105 – 120 ngàn đồng/kg thì năm nay giá tôm giảm còn từ 75 – 90 ngàn đồng/kg; người dân phấn khởi được mùa nhưng lại lo rớt giá, giá bán chưa được cao.

Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, huyện Thới Bình có tổng diện tích nuôi tôm càng xanh lên tới gần 19.000 ha (ảnh CTT ĐT tỉnh Cà Mau).
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau, huyện Thới Bình có tổng diện tích nuôi tôm càng xanh lên tới gần 19.000 ha (ảnh CTT ĐT tỉnh Cà Mau).

Đến nay, huyện Thới Bình có tổng diện tích nuôi tôm càng xanh lên tới gần 19.000 ha. Xã Trí Lực là một trong những xã có diện tích nuôi tôm càng xanh lớn nhất của huyện Thới Bình.

Từ trước đến nay, việc sản xuất của bà con nông dân trên địa bàn huyện Thới Bình phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu và nguồn nước. Chính vì thế, bà con nông dân cũng chọn thả giống thủy sản phù hợp theo từng mùa trong năm, cụ thể như: Tôm sú, thẻ phần lớn được thả nuôi vào mùa nắng (mùa nước có độ mặn cao); Đến mùa mưa, khi độ mặn giảm, nguồn nước tương đối ngọt, bà con nông dân thả nuôi tôm càng xanh giống toàn đực kết hợp trồng lúa.

Vũ Cừ/ VP ĐBSCL