Cà phê robusta gia tăng thị phần, giá lập đỉnh mới trong 28 năm

Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá cà phê robusta thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/1995 do nhu cầu về cà phê chất lượng cao giảm dần để nhường chỗ cho các loại cà phê có giá cạnh tranh hơn. Ở chiều ngược lại, giá arabica đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua do áp lực từ vụ thu hoạch mới tại Brazil.

Số liệu của ICO cho thấy, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt tổng cộng 10,7 triệu bao trong tháng 5, tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (tháng10/2022 đến tháng 5/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu vẫn giảm 5,1% so với niên vụ 2021-2022, đạt 83 triệu bao.

Ảnh minh họa 
Ảnh minh họa 

Trái ngược với arabica, xuất khẩu cà phê robusta tăng 6,8% trong tháng 5 lên 3,6 triệu bao. Luỹ kế sau 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đã có tổng cộng 30,1 triệu bao robusta được xuất khẩu so với 29,2 triệu bao của cùng kỳ niên vụ 2021-2022.

Tỷ trọng của cà phê robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu theo đó đã tăng lên mức 40,4% từ 37% của cùng kỳ niên vụ trước và là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi tỷ trọng cà phê arabica giảm xuống chỉ còn 59,6% so với 63% của cùng kỳ.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê hòa tan trong tháng 5 bất ngờ tăng mạnh 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,1 triệu bao. Tổng cộng 8 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đã có 7,9 triệu bao cà phê hòa tan đã được xuất khẩu trên toàn cầu, giảm 0,4% so với cùng kỳ niên vụ cà phê trước. 

Tỷ trọng của cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng lên mức 9,6% từ 9% của cùng kỳ 2021-2022. Brazil nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới đã vận chuyển 0,3 triệu bao vào tháng 5.

Xuất khẩu cà phê đã rang sau khi tăng vào tháng trước đã giảm 4,8% trong tháng 5 xuống 72.925 bao. Lũy ​​kế từ đầu niên vụ cà phê 2022-2023 đến nay đã có 0,48 triệu bao cà phê hoà tan được xuất khẩu trên toàn cầu, giảm so với 0,52 triệu bao cùng kỳ.

Trong tháng 6, giá cà phê toàn cầu được theo dõi và tổng hợp bởi ICO đã giảm 2,4% xuống mức trung bình 171,3 US cent/pound (158,5 – 182 US cent/pound). Sự sụt giảm này chủ yếu phản ánh đà đi xuống của giá cà phê arabica, trong khi robusta tiếp tục tăng mạnh trong tháng thứ 7 liên tiếp và đạt mức cao lịch sử mới.

Theo đó, giá cà phê robusta đã tăng 7,8% lên 132,1 US cent/lb trong tháng 6, mức cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 2/1995

Ngược lại, giá cà phê arabica Colombia và nhóm cà phê arabica khác lần lượt giảm 6,6% và 5,8%, xuống mức trung bình 211,9 và 207,4 US cent/pound. Giá cà phê arabica Brazil cũng giảm 5,5% xuống còn 176,5 US cent/pound. 

Nhận định về diễn biến của thị trường, ICO cho biết giá cà phê arabica giảm là do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch đang diễn ra tại Brazil, nước sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới và các báo cáo gần đây cho thấy điều kiện thời tiết thuận lợi đang hỗ trợ cho vụ thu hoạch hiện tại.

Trong khi đó, cà phê robusta đang được hưởng lợi bởi xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ cà phê arabica có chất lượng và giá cao sang các loại cà phê có giá rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, chi phí sinh hoạt người tiêu dùng tăng cao.

ICO dự báo nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 vào khoảng 171,3 triệu bao trong khi tiêu thụ ở mức 178,5 triệu bao, với dự báo này thị trường cà phê thế giới có thể thâm hụt 7,3 triệu bao trong niên vụ hiện tại. Niên vụ 2022-2023, sản lượng cà phê arabica toàn cầu dự kiến tăng 4,6% lên 98,6 triệu bao. Sản lượng robusta dự kiến giảm 2,1% xuống còn 72,7 triệu bao.

Hương Trà