Dấu ấn cà phê Việt Nam
Theo phân tích mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, không chỉ là đồ uống quốc dân, cà phê Việt còn giữ vị trí quan trọng trên thị trường quốc tế. Để sở hữu vị thế đó, cà phê Việt đã trải qua hành trình dài với những cột mốc đáng nhớ.
Ban đầu, cà phê được các giáo sĩ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Pháp mang hạt sang Việt Nam trồng lẻ tẻ từ các thế kỷ 17, 18, nhưng mãi đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 19, mô hình trồng trọt này mới dần được nhân rộng với quy mô lớn. Do điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên giống cây này dễ dàng thích nghi và sinh trưởng mạnh tại Việt Nam.
Đầu thế kỷ 20, cà phê từ thành thị lan dần đến nông thôn. Từ thức uống vốn chỉ dành cho giới quan chức, quý tộc Pháp, cà phê dần dần len lỏi vào đời sống người Việt. Do lối sống tập thể, đề cao tính cộng đồng của người Việt nên các quán cà phê nhanh chóng trở thành nơi giao lưu, sinh hoạt lẫn trao đổi thông tin, giao dịch của người dân. Từ đó, cà phê thành đồ uống của sự kết nối. Ngày nay, những quán cà phê "đa năng" mọc lên khắp nơi, ngoài đáp ứng khẩu vị của dân ghiền cà phê thì còn phục vụ những nhu cầu đặc biệt như: thiền, đọc sách, triển lãm tranh, làm việc một mình…
Cà phê thăng hoa trên các ứng dụng gọi món trực tuyến
Không chỉ tràn ngập khắp các hàng quán, cà phê còn làm mưa làm gió trên các ứng dụng gọi món trực tuyến trong nước. Theo thống kê từ Gojek Việt Nam, cà phê luôn đứng đầu danh sách những thức uống được đặt nhiều nhất trên nền tảng GoFood của Gojek tại cả TP.HCM và Hà Nội. Cuộc đua khốc liệt trên thị trường này còn có sự tham gia của Grab với GrabFood, GoFood (ứng dụng gọi xe Go-Viet), Loship (ứng dụng của startup Lozi), và sự xuất hiện của tân binh Baemin - ứng dụng giao đồ ăn của kỳ lân Hàn Quốc, Woowa Brothers.
Cà phê Việt Nam luôn được đánh giá cao và đã trở thành một thức uống hấp dẫn với nhiều người trên thế giới. Gần đây, CNN đã xếp cà phê Việt cùng với bánh mì và phở vào top 50 món ăn đường phố ngon nhất châu Á. Bài viết còn ca ngợi sự đa dạng trong cách phục vụ cà phê tại Việt Nam, đặc biệt là các quán cà phê gắn mác "made in Vietnam" như: cà phê cóc, cà phê đường tàu... Ngoài ra, CNN cũng đặc biệt giới thiệu các biến tấu cà phê với sữa đặc, sữa chua, hoa quả, nước cốt dừa,... được ướp đá lạnh, tạo nên hương vị độc đáo.
Mỗi vùng miền ở Việt Nam lại có đặc sản và cách thưởng thức cà phê khác nhau, mang đến những trải nghiệm lý thú. Hãy cùng chúng tôi khám phá những ly cà phê độc đáo được người Việt sáng tạo kết hợp với các nguyên liệu đa dạng qua bài viết dưới đây.
Cà phê nâu hay cà phê sữa
Một trong những món phổ biến là cà phê nâu hoặc cà phê sữa, khi hầu hết mọi người thường uống cà phê đậm đặc pha với sữa đặc có đường. Ở miền Bắc, hỗn hợp cà phê đen và sữa đặc có đường được gọi là cà phê nâu, trong khi ở miền Nam thường gọi là cà phê sữa. Mặc dù món này thường được phục vụ lạnh với đá, nhưng bạn cũng có thể yêu cầu uống cà phê nóng nếu muốn.
Sữa chua cà phê
Ở Việt Nam, người ta ăn sữa chua với nhiều loại topping khác nhau, từ xoài tươi đến nếp cẩm, và thậm chí cả cà phê. Nghe có vẻ là một sự kết hợp kỳ quặc, nhưng sữa chua béo ngậy thêm một tí cà phê đen lại là sự kết hợp tuyệt vời - bạn chỉ cần khuấy và nhâm nhi thôi.
Cà phê trứng
Lòng đỏ trứng gà đánh bông với sữa đặc tạo thành lớp kem, kết hợp cùng cà phê đậm đặc là cách để diễn tả món thức uống này. "Tưởng tượng nó như món tiramisu theo kiểu Việt Nam vậy đó", Fabienne so sánh.
Món uống này là một "phát minh" của người Hà Nội, cà phê trứng lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1940, khi sữa trở nên khan hiếm và lòng đỏ trứng là một sự thay thế tiện lợi.
Quán cà phê Giảng ở phố cổ Hà Nội, nơi phát minh ra cà phê trứng, vẫn phục vụ cà phê trứng cho đến ngày nay, nhưng ở Hà Nội hiện cũng có những tiệm khác làm món này theo công thức riêng của họ.
Cà phê cốt dừa
Trong vài năm trở lại đây, món này rất được giới trẻ Việt Nam yêu thích. Đây là món đá xay có cà phê đen với sữa đặc được pha với nước cốt dừa. Một phiên bản khác của món này có cà phê nâu làm nền, thêm nước cốt dừa và sữa tươi (chỉ khuấy lên uống chứ không xay).
Sinh tố cà phê
Trong những năm gần đây, cà phê thậm chí còn được đưa vào các món sinh tố. Nhiều cửa hàng nước trái cây nổi tiếng phục vụ hỗn hợp trái cây tươi với một chút cà phê, đôi khi còn cho thêm sữa chua hoặc hạt điều.
Ở Hà Nội, hãy thử sinh tố cà phê trộn chuối và bơ, còn ở TP.HCM, đừng bỏ qua món sinh tố cà phê sapoche. Cả hai đều là những cách ngon miệng để giúp bạn nạp được cả caffein và vitamin cùng một lúc.
Cà phê Việt Nam không chỉ là một thức uống mà còn là nét đẹp văn hóa, giúp Việt Nam nổi bật trên bản đồ ẩm thực thế giới. Hành trình phát triển của cà phê từ khi du nhập đến khi trở thành đặc sản quốc gia là câu chuyện của sự thích nghi và sáng tạo.
Cà phê Việt Nam rất phong phú và đa dạng với nhiều biến tấu độc đáo và hấp dẫn mang lại trải nghiệm thú vị cho người thưởng thức trong và ngoài nước. Những món cà phê này không chỉ mang những hương vị tuyệt vời mà còn thể hiện sự sáng tạo và phong phú trong văn hóa ẩm thực Việt Nam.