Hành trình ghi lại chân dung các nhà giáo liệt sĩ ở Hà Tĩnh

Khi đã rời bục giảng, những nhà giáo trong Hội Cựu giáo chức Hà Tĩnh đang ngày đêm góp nhặt những ký ức về các đồng nghiệp,những người chiến sĩ góp một phần công lao vào sự nghiệp bảo vệ dân tộc.

Dù đã nghỉ công tác nhưng các thành viên trong Hội Cựu giáo chức Hà Tĩnh vẫn chưa chịu lùi về sau. Họ vẫn đang miệt mài tra cứu tư liệu cũ, kiểm chứng từng dòng thông tin về các nhà giáo đã ngã xuống trong thời chiến để kịp hoàn thành cuốn sách ấp ủ bấy nhiêu lâu.

Hai nhà giáo già là NGƯT Nguyễn Duy Tiệp (Chủ tịch Hội) và NGƯT Trần Hữu Doãn (Phó chủ tịch Hội) vẫn miệt mài bên màn hình máy tính.
Hai nhà giáo già là NGƯT Nguyễn Duy Tiệp (Chủ tịch Hội) và NGƯT Trần Hữu Doãn (Phó chủ tịch Hội) vẫn miệt mài bên màn hình máy tính.

"Chúng tôi còn gần 30 trường hợp chưa hoàn thiện hồ sơ, chưa xác định được thân nhân. Hy vọng cuốn sách Chân dung các liệt sĩ nhà giáo Hà Tĩnh kịp ra mắt vào ngày 27/7, nếu không thì trước 2/9", NGƯT Nguyễn Duy Tiệp (Chủ tịch Hội) chia sẻ với ánh mắt đầy quyết tâm. Đó là hành trình mà họ đã bền bỉ theo đuổi suốt gần 4 năm.

Khi người thầy trở thành người lính

Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, nhiều giáo viên không chỉ dạy học mà còn xếp lại phấn bảng, khoác áo lính lên đường chiến đấu. Hà Tĩnh, vùng đất học giàu truyền thống, có không ít nhà giáo đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

Họ là những người thầy mang súng thay bút, là những cô giáo vào chiến khu dạy chữ, là cán bộ binh vận, chiến sĩ mặt trận B, C, K. Máu họ đã đổ xuống khắp các chiến trường, có người hy sinh không để lại tên tuổi, không tìm thấy phần mộ.


Hành trình ghi lại chân dung các nhà giáo liệt sĩ ở Hà Tĩnh - Ảnh 1

Bằng tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Đình Ngô

Câu chuyện cô giáo Nguyễn Thị Mai Hiền (Trường THCS Nguyễn Tuấn Thiện) đi tìm cha – liệt sĩ, thầy giáo Nguyễn Đình Ngô – suốt gần 60 năm, khiến ai cũng xúc động. Cha cô nhập ngũ khi con đầu mới hai tuổi, con út chưa chào đời, rồi hy sinh ở chiến trường Lào. “Giờ cha tôi đã được trở về với ngành giáo dục Hà Tĩnh!”, cô nghẹn ngào.

Thầy Trần Xuân Tiến – từng là giáo viên Trường cấp III Nghi Xuân – hy sinh khi đang làm nhiệm vụ đào tạo giáo viên tại Tây Nguyên. Thi thể thầy phải hơn 30 năm sau mới được đưa về quê. Thầy Nguyễn Xuân Hương hy sinh ở Nam Lào, gia đình mất 73 ngày tìm mộ, và đau đớn dừng lại trước một ngôi mộ vô danh mang con số 73 – trùng với tuổi thầy nếu còn sống.

Hay như thầy Phạm Đình Cầu – một trong ba anh em liệt sĩ của một gia đình ở xã Sơn Giang – hy sinh sau khi được đào tạo cơ yếu và vào chiến trường miền Nam, đến nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Mỗi lần nhắc đến thầy, người dân địa phương lại nghẹn ngào.

Hành trình gian nan

Ý tưởng viết sách xuất phát từ mong muốn tri ân, nhưng hành trình thực hiện lại không hề dễ. Thời gian đã quá xa, tư liệu thất lạc, thân nhân không rõ địa chỉ, nhân chứng thì ngày càng ít.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cùng các cán bộ, thành viên Hội Cựu giáo chức thăm hỏi, thắp hương tại bàn thờ các liệt sĩ nhà giáo ở Hà Tĩnh ngày 17/7/2025
Bà Nguyễn Thị Nguyệt – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cùng các cán bộ, thành viên Hội Cựu giáo chức thăm hỏi, thắp hương tại bàn thờ các liệt sĩ nhà giáo ở Hà Tĩnh ngày 17/7/2025

NGƯT Trần Hữu Doãn (Phó chủ tịch Hội) cho hay "Chúng tôi chia làm hai nhóm đối tượng: một là người gốc Hà Tĩnh từng dạy học trên cả nước, hai là người từ nơi khác từng giảng dạy ở Hà Tĩnh rồi hy sinh và được Nhà nước công nhận liệt sĩ. Khó nhất là xác minh thông tin, phải thật chính xác để cuốn sách không chỉ là tri ân, mà còn là tài liệu lịch sử."

Nhiều trường hợp gửi thư hàng chục lần không hồi âm, có lúc phải nhờ đến cả lãnh đạo tỉnh để tìm manh mối. Có thân nhân ban đầu còn e ngại, sợ phiền hà. "Nhiều lúc muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến sự hy sinh của các thầy cô, chúng tôi lại tiếp tục", thầy Tiệp bộc bạch.

Mỗi khi nhận được cuộc gọi từ Hội, không ít gia đình đã rơi nước mắt vì cảm động. Bởi người thân của họ – những người từng thầm lặng hiến dâng cả cuộc đời cho đất nước – nay đã được ngành giáo dục ghi nhận, vinh danh.

Góp nhặt ký ức – gìn giữ lịch sử

Cuốn sách Chân dung các liệt sĩ nhà giáo Hà Tĩnh không đơn thuần là một ấn phẩm tri ân. Đó là kết tinh của tâm huyết toàn ngành, là lời nhắn gửi đến các thế hệ học sinh, giáo viên, phụ huynh và cộng đồng: hãy cùng nhau nhớ, cùng nhau tìm, cùng nhau tri ân.

Các trường học trên toàn tỉnh được yêu cầu rà soát, gửi thông tin về những nhà giáo đã hy sinh. Những câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội, từng mẩu chuyện nhỏ dần dần thắp lên một ký ức tập thể thiêng liêng.

Bên cạnh việc biên soạn sách, Hội Cựu giáo chức phối hợp với Tỉnh đoàn phục dựng chân dung liệt sĩ, đưa vào phòng truyền thống các trường học, sử dụng như tư liệu giảng dạy lịch sử địa phương, tích hợp vào chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tính đến nay, đã xác minh được hơn 150 liệt sĩ nhà giáo, trong đó 127 người có đầy đủ thông tin. Vẫn còn 57 trường hợp chưa tìm thấy mộ phần. Mỗi thông tin được xác minh là một nén hương lòng, một phần ký ức được gìn giữ cho mai sau.

“Nếu không làm bây giờ, chúng ta sẽ đánh mất mãi mãi ký ức thiêng liêng của ngành giáo dục”, thầy Doãn khẳng định.

Diễm Phước