Cà phê vượt mốc 100.000 đồng/kg

Chỉ trong thời gian ngắn, giá cà phê nội địa đã đạt mốc trên 100.000 đồng/kg, phá vỡ mọi kỷ lục trước đó. Giá cà phê tăng sốc khiến nhiều doanh nghiệp đứng ngồi không yên.

Theo ghi nhận, giá cà phê chính thức vượt 100.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Đắk Nông giao dịch cà phê với giá cao nhất là 103.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng là 102.300 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê cũng đang ở vùng cao nhất từ trước đến nay. Giá cà phê robusta trên sàn London (Anh) kỳ hạn giao tháng 5 là 3.802 USD/tấn, giá arabica trên sàn New York (Mỹ) lên mức hơn 4.500 USD/tấn. 

Cà phê vượt mốc 100.000 đồng/kg - Ảnh 1

Giá cà phê tăng cao ngoài sự tưởng tượng của người nông dân Việt Nam. Trong năm 2023, giá nông sản này đã đạt tới mốc trên 70.000 đồng/kg. Đầu năm nay, giá cà phê trong nước tiếp tục tăng mạnh và chạm mốc 100.000 đồng/kg, tức là đã gấp đôi so với mong đợi của nông dân suốt nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa cho biết, trong quý I/2024, Việt Nam dự kiến xuất khẩu khoảng 600.000 tấn cà phê với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 3,1% về số lượng và tăng 54,7% về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân là chủ yếu, chiếm khoảng 91% về sản lượng, khoảng 85% về giá trị.

Cũng theo ông Nam, có nhiều yếu tố khiến giá cà phê tăng cao, đặc biệt là giá vượt đỉnh ngay trong thời điểm thu hoạch. Về nguồn cung, sản lượng niên vụ năm nay ước giảm khoảng 10% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ngoài ra một số hộ dân chuyển đổi cây trồng nên diện tích giảm.  Yếu tố ảnh hưởng đến giá cà phê còn liên quan đến sự thao túng của các nhà đầu cơ tài chính trên sàn. 

“Giá cà phê trong nước sẽ còn tăng cao trong những tháng đầu năm nay nhưng nguồn cung đã cạn dần, tồn trong kho doanh nghiệp và nông dân không nhiều nên lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ sẽ giảm, khả năng kim ngạch sẽ đạt hơn 5 tỷ USD trong năm 2024”, ông Nam cho hay.

Theo các chuyên gia, bên cạnh những tín hiệu lạc quan, tăng giá cà phê không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây ra những hậu quả tiềm tàng cho ngành cà phê. Đầu tiên, người tiêu dùng phải chịu áp lực tài chính khi phải trả nhiều hơn cho cà phê. Điều này có thể dẫn đến sự thay đổi trong thói quen mua sắm và tiêu dùng của người dân.

Thứ hai, các nhà sản xuất nhỏ và vừa có thể gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh. Cuối cùng, tăng giá cà phê cũng có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam, khi mức giá cao hơn có thể làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tăng giá cà phê tại Việt Nam là kết quả của sự biến động trên thị trường cà phê thế giới cùng với các yếu tố nội tại. Hiện tượng này đã gây ra những hậu quả đáng lo ngại đối với người tiêu dùng và ngành cà phê Việt Nam.

Việc giá cà phê tăng mạnh như hiện nay là điều mà không doanh nghiệp nào dự đoán được. Theo một số doanh nghiệp ở khu vực Tây Nguyên, hiện nhiều người thấy giá tăng mạnh nên không dám bán. Điều này càng làm cho thị trường khan hiếm, đẩy giá tăng cao hơn, dẫn tới việc các doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận thị trường để mua hoặc bán hàng.