Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông sản XK của Việt Nam, trong đó có cá tra. Với 712 triệu USD trong năm 2022, cá tra chiếm 40% XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc – là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Người Trung Quốc đang có xu hướng ưa chuộng cá tra hơn cá rô phi. Xuất nhập khẩu thủy sản giờ đây dễ dàng hơn. Chi phí vận chuyển hàng hóa cũng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho thương mại.
Bên cạnh đó, đối với thị trường Mỹ, VASEP đánh giá diễn biến cung cầu cá thịt trắng đang có lợi cho cá tra. Các chuyên gia và các thương gia tại thị trường Mỹ đều nhận định lạc quan về nhu cầu cá tra và cá rô phi tại thị trường Mỹ trong năm 2023. Hai loài này đều có giá phù hợp và nguồn cung ổn định. Trong khi đó, lệnh cấm với Nga tiếp tục làm sụt giảm nguồn cung cá tuyết – loài cá thịt trắng vốn được ưa chuộng tại Mỹ. Đặc biệt, vào mùa Chay (từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 4), nhu cầu sẽ tăng và sẽ phải bù đắp thiếu hụt bằng các loài khác như cá tra, cá rô phi, cá minh thái.
Năm nay, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam là 6% so với 2022, tương đương 393-394 tỷ USD. Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá đây là mức tăng "nhiều thách thức khi cầu thế giới giảm, thương mại toàn cầu tiếp tục khó khăn".
Các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU... lạm phát tăng cao, sức mua người tiêu dùng giảm và cú sốc chuỗi cung ứng làm giá nguyên vật liệu tăng khiến giá hàng hoá ở mức cao.
Trong Báo cáo ngành hàng cá tra Việt Nam (2017 - 2022), dự báo đến năm 2025, Vasep dự báo nguồn cung các loại cá thịt trắng vào năm 2023 giảm và xu hướng giá cá thịt trắng tăng mạnh, thì cá tra Việt Nam vẫn nhìn thấy cơ hội lạc quan trong năm 2023.