Chiều 19/5, tại Văn phòng Chính phủ đã diễn ra cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2
Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 27/4/2021 đến nay ghi nhận tổng số 1.538 ca mắc trong nước tại 28 tỉnh/thành phố. Trong đó, Bắc Giang ghi nhận nhiều nhất là 527 ca, Bắc Ninh ghi nhận 332 ca, Hà Nội ghi nhận 256 ca, Đà Nẵng ghi nhận 144 ca, Vĩnh Phúc ghi nhận 88 ca, các tỉnh/thành phố khác ghi nhận 191 ca. Các trường hợp mắc mới hầu hết là các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa.
Bộ Y tế liên tiếp tổ chức các Đoàn công tác do Bộ trưởng, Thứ trưởng đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các khu công nghiệp, Bệnh viện dã chiến ở 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh tăng cường công tác phòng chống dịch trên địa bàn.
Về tăng tốc xét nghiệm, lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ công nhân ở khu công nghiệp có nguy cơ cao, xét nghiệp sàng lọc các khu vực tập trung nhiều nhà trọ của công nhân.
Tại cuộc họp, một số thành viên Ban Chỉ đạo, các chuyên gia cho biết gần đây có một số người cho rằng việc xét nghiệm nhiều đang được khuyến khích, thậm chí có người còn đề nghị thực hiện “5K + vắc xin + xét nghiệm”.
Về việc này GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ tưởng Bộ Y tế khẳng định: Hiện tại chúng ta chỉ có chủ trương tăng cường năng lực xét nghiệm tại các tỉnh, thành phố và tại các cơ sở y tế để chủ động tấn công bằng xét nghiệm trong trường hợp cần thiết nhằm tăng cường truy vết.
Chủ trương của Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bởi lẽ nếu xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định: Bộ Y tế không có quan điểm "5K + vắc xin + xét nghiệm" mà tuyệt đối tuân thủ theo phương châm, nguyên tắc mà Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã đề ra là "5K + vắc xin”.
Siết chặt quản lý cách ly
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế về các văn bản quy định, hướng dẫn cách ly cho các đối tượng khác nhau, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải đổi mới, tăng cường kỷ cương, siết chặt quản lý việc tiếp nhận, đón, cách ly người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài về.
Hiện nay, Bộ TT&TT đã nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin quản lý cách ly y tế phòng, chống COVID-19 đối tất cả những người bắt đầu nhập cảnh vào Việt Nam, tiếp nhận cách ly tập trung, bàn giao về địa phương để theo dõi sức khoẻ hàng ngày tại nơi cư trú, làm việc.
Phó Thủ tướng giao cho Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của chuyên gia và các bộ, ngành, ban hành quy trình quản lý chặt chẽ người nhập cảnh kể cả đối với chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam về nước, trước hết bằng đường hàng không, đảm bảo chặt chẽ, an toàn phòng chống dịch và ràng buộc trách nhiệm thật rõ ràng đối với mọi tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo Phó Thủ tướng, về mặt lý thuyết dự thảo quy định, hướng dẫn về quản lý cách ly y tế kết hợp hệ thống công nghệ thông tin đã rất chặt chẽ, các bộ ngành rà soát, đánh giá lại một lần nữa, sau đó hoàn thiện, ban hành hướng dẫn mới quản lý thật chặt, phục vụ mục đích chống dịch.
Toàn bộ trung tâm cách ly, các khách sạn đăng ký cách ly, phải đảm bảo đủ điều kiện, lập lên một hệ thống để quản lý từ giá cả đến các điều kiện phòng, chống dịch, nếu không thì không được tiếp nhận người nhập cảnh vào cách ly.
Kết hợp xét nghiệm, rút ngắn thời gian cách ly người nhập cảnh
Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo, các chuyên gia cũng đã trao đổi, thảo luận về dự thảo hướng dẫn mới trong xét nghiệm đối với người nhập cảnh cách ly tập trung, trong đó có những trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn kết hợp các phương thức xét nghiệm khác nhau đối người từ nước ngoài về Việt Nam, trước hết là đường hàng không. Mục đích sau khi xét nghiệm có thể phân loại để không phải tất cả mọi người đều phải cách ly tập trung 21 ngày hay 14 ngày như nhau, mà người nào an toàn rồi thì có thể chỉ cần cách ly tập trung 7 ngày và tiếp tục về nhà theo dõi y tế.
Đây là việc rất quan trọng, giúp cho giao thương đi lại, trong đó có đón chuyên gia nước ngoài vào và đưa người Việt Nam bị kẹt về nước bảo đảm an toàn nhưng không máy móc, giảm bớt áp lực cho các khu cách ly, giảm thời gian, chi phí cho người cách ly. Chậm nhất 1 tuần nữa, Bộ Y tế phải ban hành hướng dẫn mới và tổ chức ngay việc xét nghiệm, quản lý cách ly y tế theo quy trình mới.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng thống nhất giao cho lực lượng quân y đảm nhận công tác xét nghiệm cho những người ở trong khu cách ly quân sự; ngành y tế xét nghiệm người ở trong khu cách ly dân sự, khách sạn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tinh thần thực hiện xét nghiệm phải rất tiết kiệm vì chi phí rất đắt, vì vậy, phải có chiến lược xét nghiệm tầm soát trên diện rộng rất khoa học để dự báo trước, cùng với việc đuổi theo, truy vết F1, F2. Đây là sự nhạy bén của những người làm chuyên môn.
Chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình dịch
Thường trực Ban chỉ đạo cũng thảo luận việc xây dựng bộ tiêu chí về mức độ đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại các địa phương theo 4 cấp (xã, huyện, tỉnh, toàn quốc), 4 mức: bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao và rất cao. Từ các dữ liệu cập nhật của địa phương, dữ liệu liên thông giữa các bộ ngành, dữ liệu mở… bộ tiêu chí phải đánh giá đúng tình hình dịch bệnh hàng ngày và dự báo những ngày tới, kèm theo đó là các khuyến nghị.
“Các đồng chí phải thiết lập được một hệ thống chuẩn, tiêu chí và công nghệ kèm theo để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo biết được ngày hôm nay trên địa bàn cả nước tình hình dịch bệnh như thế nào, nơi nào nguy cơ cao, nơi nào nguy cơ rất cao, đi kèm với đó là các biện pháp ứng phó. Quan trọng hơn dự báo tình hình trong những ngày tới và đưa ra các khuyến nghị.
Tương tự các tỉnh, các huyện, các xã sẽ biết được nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn để triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định, bổ sung những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế”- Phó Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu hướng dẫn ngay các tỉnh về cơ chế để thu thập, cập nhật những dữ liệu cần thiết. Hoàn thiện công cụ để kết hợp tất cả các dữ liệu liên thông, mở như tình hình giao thông, đi lại, địa lý, thói quen sinh hoạt của người dân… trên tinh thần “vừa làm, vừa cập nhật, hoàn thiện”.
Thái Bình
Theo Sức khỏe & Đời sống