Các thị trường nhập khẩu chè của Việt Nam có xu hướng giảm

Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu chè tới các thị trường chính đều có xu hướng giảm và chưa có tín hiệu tích cực. Dự báo xuất khẩu chè trong nửa cuối năm 2023 sẽ vẫn phải đối diện với nhiều thách thức bởi sức cầu yếu.

Trong những năm qua, ngành chè đã đem lại giá trị kinh tế lớn cho xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống người dân, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. 

Theo số liệu của Hiệp hội Chè Việt Nam, xuất khẩu chè trong tháng 6/2023 đạt 9,7 nghìn tấn, trị giá 17,1 triệu USD, giảm 21,1% về lượng và giảm 24,1% về trị giá so với tháng 6/2022. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 6/2023 đạt 1.771 USD/tấn, giảm 3,8% so với tháng 6/2022. Lũy kế đến hết tháng 6/2023, xuất khẩu chè đạt 48,3 nghìn tấn, trị giá 81,5 triệu USD, giảm 15,7% về lượng và giảm 20,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.689,5 USD/tấn, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các thị trường chính nhập khẩu chè của Việt Nam đều có xu hướng giảm. Đơn cử như thị trường lớn nhất nhập khẩu chè Việt Nam là Pakistan trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 18,5 nghìn tấn, trị giá 34,9 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu nhập khẩu chè của Pakistan vẫn tiếp tục giảm do kinh tế nước này đối mặt với nhiều khó khăn, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm, khủng hoảng kinh tế buộc chính phủ Pakistan phải thắt chặt nhập khẩu.

Tiếp theo là xuất khẩu tới thị trường Đài Loan (Trung Quốc) đạt 6,1 nghìn tấn, trị giá 9,9 triệu USD, giảm 44,6% về lượng và giảm 55,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị trường Đài Loan có nhu cầu nhập khẩu lớn mặt hàng chè để tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, bởi đây là thị trường đóng vai trò trung gian để xuất khẩu sang các thị trường Âu, Mỹ và Đông Á. Tuy nhiên, lạm phát toàn cầu, áp lực tăng lãi suất kéo dài và nhu cầu người tiêu dùng tiếp tục suy yếu khiến nhập khẩu chè của thị trường Đài Loan từ Việt Nam giảm mạnh.

Chè xuất khẩu tới thị trường Nga đạt 3,6 nghìn tấn, trị giá 6,1 triệu USD, giảm 14,3% về lượng và giảm 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022; tới Trung Quốc đạt 2,1 nghìn tấn, trị giá 5,1 triệu USD, giảm 14,3% về lượng và giảm 5,6% về trị giá.

Xuất khẩu chè tới thị trường Iraq 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng cao cả về lượng và trị giá, đạt 3,2 nghìn tấn, trị giá 4,8 triệu USD, tăng 37,1% về lượng và tăng 19,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với Iraq, xuất khẩu chè sang thị trường Malaysia tăng trưởng 1,9% về lượng và 0,8% về giá trị so với cùng kỳ. Đặc biệt thị trường Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất cũng tăng khá cao gần 200% về lượng và trị giá.

Tại thị trường Ấn Độ, xuất khẩu chè sang thị trường này giảm 6,8% về lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, tại thị trường Ả rập Xê út, xuất khẩu chè sang thị trường này tăng 5,5% về lượng nhưng lại giảm 7,6% về giá trị.

Về đơn vị xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2023 có trên 200 đơn vị và cá nhân tham gia xuất khẩu trong đó có 12 đơn vị xuất khẩu từ 1000 tấn trở lên, 22 đơn vị xuất từ 500 tấn đến 1000 tấn.

Theo đánh giá của Hiệp hội chè Việt Nam, hiện nay, ngành chè Việt đã có những bước tiến tích cực. Năng suất và sản lượng chè liên tục tăng nhờ sự chuyển biến tích cực về giống, kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất. Trong hoạt động chế biến chè, đã có nhiều dây chuyền công nghệ chế biến chè với mức độ cơ giới hoá cao được bổ sung thay thế tại nhiều doanh nghiệp.  Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách đã được các cấp từ Trung ương đến địa phương ban hành nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ chè. Đặc biệt đã có nhiều giải pháp đồng bộ được áp dụng trong vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trên sản phẩm chè đã cho những kết quả khả quan.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động sản xuất và xuất khẩu chè của Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, sau nửa đầu năm gặp nhiều khó khăn, dự báo, xuất khẩu chè trong nửa cuối năm 2023 sẽ vẫn phải đối diện với nhiều thách thức bởi sức cầu yếu.