Năm 2019, sản phẩm gạo ST25 của nhóm kỹ sư Hồ Quang Cua đã xuất sắc vượt qua gạo Thái Lan, giành giải nhất cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới" được tổ chức tại Philippines. Với việc được công nhận là giống lúa/gạo ngon nhất thế giới, ST25 đã tạo nên sức hút mạnh mẽ trên thị trường trong nước, thu hút đông đảo người tiêu dùng tìm mua sản phẩm.
Đáp ứng nhu cầu đó, thời gian qua, hàng loạt cơ sở kinh doanh đã rao bán, phân phối sản phẩm gạo ST25 với nhiều mức giá khác nhau. Không chỉ tại các điểm bán trực tiếp, trên mạng xã hội cũng có nhiều tài khoản rao bán loại gạo này. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của các chủ thể bán gạo ST25, không ít người tiêu dùng đã phải ‘mất tiền oan’ khi mua phải sản phẩm gạo ST25 giả.
Cụ thể, gạo ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua phân phối trên thị trường được đóng gói duy nhất một 1 loại bao bì, trọng lượng 5 kg/gói. Theo đó, bao bì gạo ST25 thật sẽ được ghi đầy đủ các thông tin như: Tiêu chuẩn đóng gói: ISO 22000:2018 – HACCP; Logo thương hiệu: ST màu Vàng Cam, có ngôi sao trên nét đầu chữ “S”; Logo ICI cấp tại cuộc thi: The World’s Best Rice Năm 2019. Trên bao bì có ghi thông tin tên DN Hồ Quang Trí, địa chỉ sản xuất, đồng thời gắn logo hình tam giác do Tổ chức Thương mại lúa gạo Toàn cầu chứng nhận. Đặc biệt, bao bì phải kèm 4 số điện thoại gồm của doanh nghiệp, vợ chồng ông Cua và bà Trịnh Kim Tuyến, cùng số điện thoại con gái.
DN tư nhân Hồ Quang Trí cũng cho biết họ còn bị làm giả lúa giống ST24, ST25. Theo đó, nhiều cửa hàng giống ở miền Tây bán lúa giống giả mang thương hiệu của DN. Tình trạng giả lúa giống ngày càng phức tạp, xử lý được chỗ này lại xuất hiện ở nơi khác.
Từ việc gạo ST25 bị mạo danh, cho thấy cần có quy chuẩn chặt chẽ hơn trong việc quản lý, công bố, sử dụng thương hiệu gạo. Đồng thời người tiêu dùng cũng cần lựa chọn các nhà sản xuất, nhà cung cấp có uy tín trên thị trường có hóa đơn mua hàng hoặc phiếu xuất kho trực tiếp từ DNTT Hồ Quang Trí hoặc các nhà phân phối chính thức của doanh nghiệp này để tránh bị thiệt hại do gạo giả.
Bảo Anh (t.h)