Cà phê chứa hàng loạt hợp chất hóa học có thể ảnh hưởng đến cơ thể con người theo nhiều cách khác nhau. Trong đó, cafein là thành phần nổi bật nhất, thường được coi là yếu tố chính tác động đến hệ tiêu hóa. Ngoài ra, cà phê còn chứa các hợp chất khác như axit chlorogenic, chất chống oxy hóa, dầu từ hạt cà phê và nhiều loại enzyme có thể gây ảnh hưởng đến đường ruột.
Nghiên cứu về tác động của cà phê đến hệ tiêu hóa cho thấy nhiều kết quả mâu thuẫn nhau, chúng có thể có tác động tích cực và tiêu cực. Cà phê có thể giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, kích thích nhu động ruột và giúp giảm tình trạng táo bón. Tuy nhiên, với một số cá nhân, cà phê lại có thể là nguyên nhân gây ra tiêu chảy.
Kích thích nhu động ruột
Theo Bác sĩ CKII Trần Ngọc Lưu Phương - Chuyên khoa tiêu hóa - gan mật Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho rằng người có triệu chứng đi đại tiện sau khi uống cà phê có thể là do mắc hội chứng ruột kích thích.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra cà phê, đặc biệt là cà phê chứa cafein , có thể kích thích nhu động ruột, làm cho quá trình di chuyển của thức ăn trong đường tiêu hóa diễn ra nhanh hơn. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến việc thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn, từ đó gây ra tình trạng tiêu chảy.
Trong một nghiên cứu khác từ năm 1998 đã cho biết việc uống cà phê, kể cả cà phê khử cafein (decaf) gây ra nhiều cơn co thắt trong ruột nhiều hơn so với nước. Các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng cà phê kích thích các chuyển động trong đại tràng nhiều hơn 60% so với nước và 30% so với cà phê khử cafein.
Tăng tiết acid dạ dày
Cà phê cũng có thể kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit hơn. Đối với một số người, lượng axit tăng cao có thể làm rối loạn cân bằng pH trong dạ dày và ruột, dẫn đến khó tiêu và tiêu chảy. Những người bị hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc có dạ dày nhạy cảm đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này.
Kích thích giải phóng hormone
Cà phê cũng có thể làm kích thích giải phóng một loại hormone có tên là cholecystokinin (hormone tiêu hóa được sản xuất chủ yếu bởi các tế bào trong niêm mạc ruột non, đặc biệt là ở tá tràng - đoạn đầu của ruột non. Loại hormone này được các nhà khoa học giải thích rằng chúng cũng có khả năng kích thích nhu động ruột.
Tuy nhiên, cho đến nay họ vẫn chưa tìm thấy chính xác là thành phần nào trong cà phê có thể gây ra sự phải phóng hormone này dẫn đến tình trạng uống cà phê bị đau bụng.
Làm nặng thêm tình trạng không dung nạp lactose
Theo Dược điển Việt Nam V, Lactose là một loại đường chủ yếu có trong sữa và một số chế phẩm từ sữa. Thông thường, Lactose chiếm từ 2% – 8% tổng trọng lượng sữa, là dưỡng chất rất quan trọng có khả năng cung cấp đến 40% năng lượng cho cơ thể, làm tăng mức hấp thu sắt và canxi.
Hội chứng không dung nạp Lactose là hiện tượng rối loạn tiêu hóa, xảy ra khá phổ biến ở khoảng 65% dân số thế giới và gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hay gặp nhất là người Châu Á, Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Mexico.
Hiện tượng này xảy ra do lượng enzyme Lactase tiết ra không đủ để tiêu hóa Lactose được nạp vào cơ thể. Lúc này, phần Lactose chưa tiêu hóa sẽ di chuyển xuống ruột già và tương tác với một số vi khuẩn bên trong ruột, gây ra phản ứng.
Vậy nếu bạn uống cà phê cùng với sữa cũng có thể làm kích hoạt tình trạng không dung nạp được lactose của sữa trong cơ thể, dẫn đến uống cà phê bị đau bụng hoặc tiêu chảy.
Mặc dù cà phê có thể gây ra tiêu chảy đối với một số người, nhưng vẫn có những biện pháp có thể áp dụng để giảm thiểu nguy cơ này.
Giảm lượng cafein , một trong những cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ tiêu chảy là giảm lượng cafein tiêu thụ. Cà phê decaf (không chứa cafein) hoặc giảm số lượng tách cà phê uống mỗi ngày có thể giúp giảm tác động lên hệ tiêu hóa.
Chọn loại cà phê nhẹ, các loại cà phê rang nhẹ có thể chứa ít axit hơn so với các loại cà phê rang đậm. Do đó, việc chọn loại cà phê nhẹ hơn có thể giúp giảm tình trạng kích thích dạ dày và ruột.
Tránh uống cà phê khi bụng đói, uống cà phê khi bụng đói có thể làm tăng sản xuất axit dạ dày, vì vậy nên tránh thói quen này nếu bạn thường xuyên gặp vấn đề tiêu chảy. Kết hợp cà phê với thức ăn có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên hệ tiêu hóa.
Sử dụng sữa thực vật thay cho sữa động vật, nếu bạn không dung nạp lactose, hãy thử thay thế sữa bò bằng các loại sữa thực vật như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành hoặc sữa yến mạch để giảm nguy cơ gây tiêu chảy.
Mối liên hệ giữa việc uống cà phê và nguy cơ tiêu chảy phụ thuộc vào từng cá nhân và nhiều yếu tố khác nhau như lượng tiêu thụ, loại cà phê, và tình trạng sức khỏe cá nhân. Điều quan trọng là mỗi người nên lắng nghe cơ thể mình để điều chỉnh lượng cà phê tiêu thụ phù hợp. Đối với những người cảm thấy tiêu chảy hoặc khó chịu sau khi uống cà phê, có thể thử các biện pháp giảm lượng cafein , chọn cà phê decaf, hoặc thay đổi thời điểm uống cà phê để tránh các tác dụng phụ tiêu cực. Ngược lại, với những ai không gặp vấn đề khi uống cà phê, đây vẫn là một lựa chọn đồ uống an toàn và thậm chí có lợi nếu được sử dụng một cách hợp lý