Theo các chuyên gia, sốc nhiệt có thể phân loại thành hai loại chính: sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức. Sốc nhiệt kinh điển thường gặp ở người già, người suy nhược, trẻ em, người mắc các bệnh tim mạch, thần kinh hoặc rối loạn nội tiết, thường xảy ra sau tiếp xúc lâu dài với môi trường nhiệt độ cao; còn sốc nhiệt do gắng sức thường gặp ở những người trẻ, khỏe mạnh, và xảy ra sau khi phơi nhiệt độ môi trường cao và đồng thời vận động mạnh.
Sốc nhiệt gây tổn thương đa cơ quan bao gồm hệ thần kinh trung ương, hô hấp, tuần hoàn, gan, thận và huyết học, có thể dẫn đến tình trạng suy đa cơ quan nhanh chóng nếu không được can thiệp y tế kịp thời, thậm chí gây tử vong. Do đó, việc hiểu biết về sốc nhiệt, nhận biết triệu chứng sớm, cấp cứu kịp thời và phòng tránh là rất quan trọng, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và tử vong.
Để giảm nguy cơ mắc sốc nhiệt trong những ngày nắng nóng, người dân cần chú ý đến những thông tin sau:
1. Nhận biết bệnh nhân sốc nhiệt
Một số dấu hiệu giúp mọi người nhận biết sớm tình trạng sốc nhiệt bao gồm rối loạn ý thức: hôn mê, cơn động kinh; rối loạn hô hấp: khó thở, suy hô hấp; rối loạn tim mạch: rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, thiểu niệu, kèm theo mệt mỏi, đau đầu, đỏ mặt, có thể nôn mửa, ỉa chảy, nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô.
2. Cấp cứu bệnh nhân sốc nhiệt ngoài bệnh viện
Khi cần cấp cứu cho bệnh nhân bị sốc nhiệt ở ngoài môi trường bệnh viện, việc xử lý phải được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân.
Các bước có thể thực hiện như sau:
Trước tiên, di chuyển bệnh nhân ra khỏi vùng nắng nóng ngay lập tức và đưa vào nơi mát mẻ. Sau đó, đặt bệnh nhân nằm xuống và cởi bỏ bớt quần áo. Sử dụng gói lạnh hoặc túi đá khẩn cấp để làm mát cơ thể, tập trung chủ yếu vào các vùng có mạch máu lớn như cổ, nách và ống cổ tay. Ngoài ra, có thể sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể của bệnh nhân, kèm theo việc sử dụng quạt để giúp làm mát.
Nếu bệnh nhân tỉnh táo và không nôn nhiều, cần cho uống nước ngay lập tức và gọi xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình di chuyển, cần theo dõi thường xuyên nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân để đánh giá hiệu quả của biện pháp cứu trợ. Đồng thời, mở cửa sổ hoặc hệ thống điều hòa trên xe cấp cứu, tiếp tục áp dụng khăn ướt và nước lạnh để làm mát cơ thể, đảm bảo sự lưu thông không khí trong xe cấp cứu để giảm nguy cơ nhiệt độ bên trong.
Trong những trường hợp cần thiết, việc thực hiện truyền dung dịch tĩnh mạch sớm được khuyến khích để khắc phục tình trạng mất nước và điện giải. Trong trường hợp bệnh nhân gặp tổn thương thận, có thể cần phải thực hiện lọc máu liên tục. Chăm sóc tích cực sẽ được điều chỉnh dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân và thường được thực hiện bởi những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Những cách đối phó với thời tiết nắng nóng
Nhận diện và phân loại nguy cơ: Các nhóm người có nguy cơ cao như trẻ em, người già, và những người có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, hô hấp, nội tiết, chuyển hóa, hoặc cơ thể suy kiệt. Tìm hiểu và thực hiện các biện pháp phòng tránh phù hợp cho từng nhóm người này, bao gồm kế hoạch rèn luyện thích hợp và hạn chế vận động khi thời tiết quá nóng.
Biện pháp bảo vệ khi ra ngoài và làm việc ngoài trời nắng nóng: Nếu phải tiếp xúc với ánh nắng mạnh, hãy đảm bảo uống đủ nước và tránh nhiệt độ cao bằng cách tìm bóng mát hoặc mặc đồ bảo hộ như áo chống nắng và đội mũ rộng vành để che chắn ánh nắng trực tiếp.
Quản lý thời gian tiếp xúc với nắng nóng: Tổ chức lịch trình làm việc và nghỉ ngơi sao cho phù hợp, tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao quá lâu.
Đảm bảo cung cấp nước và muối: Uống đủ nước và bổ sung muối khi cần thiết để duy trì cân bằng nước và điện giải trong cơ thể, đặc biệt khi làm việc hoặc tiếp xúc với ánh nắng mạnh.
Rèn luyện cá nhân: Hãy lập thói quen tập thể dục vào các khoảng thời gian mát mẻ trong ngày với thời gian phù hợp với sức khỏe từng người và giảm thiểu tối đa hoạt động thể chất khi thời tiết quá nóng.
Việc áp dụng các biện pháp phòng tránh sốc nhiệt là điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe trong môi trường nhiệt độ cao. Từ việc nhận biết nguy cơ, áp dụng biện pháp phù hợp cho sức khỏe từng nhóm người đến việc rèn luyện cá nhân và cách bảo vệ cơ thể khi tiếp xúc với ánh nắng mạnh. Mỗi biện pháp đều đóng vai trò quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe. Bằng cách này, chúng ta có thể tận dụng và thích nghi với điều kiện thời tiết nắng nóng một cách an toàn và hiệu quả nhất.