Hiện tượng say trà
Trà là loại thức uống phổ biến, mang lại nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe người dùng. Say trà là một phản ứng của cơ thể khi bạn uống quá nhiều trà trong một khoảng thời gian ngắn hoặc sử dụng trà sai cách hay vào thời điểm không phù hợp.
Trong trà có rất nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe, trong đó có ba thành phần dễ xảy ra phản ứng với cơ thể đó là theanine, catechin và caffeine. Say trà là tình trạng xảy ra khi bạn uống quá nhiều trà đậm đặc trong một khoảng thời gian ngắn và gây ra sự chuyển đổi trạng thái về thể chất, tinh thần và cảm xúc tương tự như khi bạn bị say rượu hay say cà phê.
Say trà thường xảy ra ở những người có thể trạng yếu, phụ nữ, trẻ em, những người mới tập uống trà. Tuy nhiên, những người có thói quen uống trà cũng có thể bị say khi họ uống loại trà đặc hơn bình thường hoặc có những người biết uống trà nhưng lâu không uống khi uống lại cũng có thể bị say trà.
Các triệu chứng khi say trà
Về cơ bản, các triệu chứng khi say trà sẽ tương tự như say cà phê, nhưng ở mức độ nhẹ hơn và có một số triệu chứng đặc trưng khác.
Mặc dù say trà không khó chịu như say rượu và không kéo dài quá lâu, thông thường các triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất hoàn toàn sau khoảng 2 - 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, nếu bị say trà thì bạn nên hạn chế lái xe ngoài đường vì lúc này phản ứng của cơ thể sẽ chậm hơn, bạn khó xử lý được các tình huống phát sinh tai nạn. Ngoài ra người bị say nặng có thể bị ngất, nếu đang điều khiển phương tiện thì sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân bạn và những người xung quanh.
Các phản ứng khi say trà có thể khác nhau tùy vào mức độ. Một vài triệu chứng rất dễ nhận biết khi say trà thường xảy ra đó là: tim đập nhanh, chóng mặt, buồn nôn. Đồng thời người say trà sẽ bị đổ mồ hôi, run rẩy, toàn thân vô cùng nhức mỏi và khó chịu. Trường hợp nặng hơn nữa sẽ bị hạ đường huyết thậm chí ngất lịm.
Nguyên nhân dẫn đến say trà
Nguyên nhân của hiện tượng này là do phản ứng đào thải của cơ thể khi có chất lạ xâm nhập, hoặc lượng chất nào đó tăng đột biến trong cơ thể, cơ chế này xảy ra gần giống như khi bị trúng thực. Đối với người mới uống trà hay không có thói quen uống nhiều, khi uống một lượng trà quá mức sẽ gặp hiện tượng say trà.
Tuy nhiên, uống trà khi bụng đói hay trà quá đậm, kể cả là người yêu trà và uống trà thường xuyên cũng có thể bị say trà.
Ngoài ra, trong trà có chứa catechin, theanine và caffein. Đây là 3 hợp chất có lợi cho cơ thể, nhưng những người có cơ địa nhạy cảm, dễ dị ứng, không hợp nên dễ xảy ra tình trạng say trà.
Bên cạnh đó, những lá trà mới hái thường có nồng độ dược chất cao cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn có cảm giác nôn nao và khó chịu.
Phương pháp xử lý khi say trà
Khi say trà, điều đầu tiên bạn cần làm chính là dừng tất cả mọi công việc đang dang dở, nghỉ ngơi hoàn toàn. Không nên cố gắng làm nốt việc hay chạy xe vì như vậy chỉ làm cơn say trà càng lâu khỏi, thậm chí sẽ bị ngất bởi hạ đường huyết.
Uống thật nhiều nước để thanh lọc và đào thải lượng nước trà trong cơ thể. Có thể sử dụng nước dừa hoặc pha nước chanh gừng.
Khi cơ thể cảm thấy nôn nao, có dấu hiệu bị hạ đường huyết, cần ăn kẹo, mứt, bánh hay uống syrup để tăng lượng đường trong máu, khắc phục tình trạng này.
Xoa ấm lòng bàn tay, bàn chân và xoa bóp hai bên vùng thái dương để giảm thiểu đi sự khó chịu.
Ăn thịt để tạo cảm giác no bụng, khiến cơ thể trở nên dễ chịu hơn cũng là một phương pháp khắc phục tình trạng say trà