Cách xử lý nước ăn uống trong vùng bị mưa lũ

Việc xử lý nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt trong mùa bão lũ là cực kỳ quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh và duy trì vệ sinh. Hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương nên sử dụng hai loại hóa chất phổ biến là Cloramin B và Aquatabs 67mg để xử lý nước cho người dân trong và sau khi bão lũ xảy ra.

Do ảnh hưởng của siêu bão số 3 - Yagi, mưa lũ đã gây ra tình trạng ngập lụt ở nhiều tỉnh phía Bắc. Các tỉnh như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang... đều chịu cảnh ngập sâu trong nước. Nguy cơ ngập lụt ở các vùng trũng ven sông, đặc biệt là tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, và Thanh Hóa, đang ở mức cao. Lũ quét và sạt lở đất cũng có thể xảy ra tại các khu vực sườn dốc vùng núi ở Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn trong và sau lũ lụt bạn cần xử lý nước theo đúng quy trình trước khi sử dụng để phòng tránh dịch bệnh. Ảnh minh họa
Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn trong và sau lũ lụt bạn cần xử lý nước theo đúng quy trình trước khi sử dụng để phòng tránh dịch bệnh. Ảnh minh họa

Trước tình hình này, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, trong và sau các trận mưa bão, lũ lụt, nước sẽ cuốn theo vi sinh vật, rác thải và các chất ô nhiễm ra môi trường, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Những bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ bao gồm sốt xuất huyết, sốt rét, các bệnh tiêu hóa như tả, lị, thương hàn, tiêu chảy, cùng các bệnh khác như nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ...

Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn sau mưa lũ, đảm bảo sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh có thể xảy ra, người dân phải biết lựa chọn nguồn nước trong trường hợp không có nguồn nước ngầm. Phải sử dụng nước ao hồ, sông suối, kênh rạch thì cần lựa chọn những điểm chưa bị ô nhiễm, cố gắng lấy nước càng xa bờ càng tốt để xử lý theo các bước sau đây.

Bước 1: Làm trong nước

Có nhiều cách làm trong nước, đơn giản nhất là dùng phèn chua hoặc lọc bằng vải sạch.

- Phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g, (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hòa lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.

- Vải sạch: Có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi được nước trong. Chú ý chọn vải lọc bằng cotton để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều. Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.

Bước 2: Khử trùng nước

Sau khi đã lọc trong nước, nước trong vắt nhưng chưa sạch cần phải tiến hành khử trùng nước trước khi dùng nguồn nước này trong sinh hoạt. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi. Hiện nay, phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25 lít nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20 lít nước trong, khuấy đều, đậy nắp sau 30 phút là có thể dùng được.

Lưu ý: Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp. Không vừa khử trùng vừa đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo.

Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nếu lỡ cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc một giờ nữa cho bớt mùi nồng.

Đặc biệt, chỉ sử dụng nước để uống sau khi đã đun sôi. Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống.

Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng. Ngoài ra người dân có thể sử dụng các thiết bị lọc nước, tuy nhiên cần lưu ý nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch… để tránh bít tắc thiết bị lọc.

Tâm Ngọc

Từ khóa: