Dự buổi khai trương có các đồng chí Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội - Văn phòng Quốc hội; Lê Thị Tường Thu - Chủ tịch Công đoàn cùng các đơn vị, đoàn thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đại biểu đến từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Đại diện Văn phòng KOICA Việt Nam, bà Yang Seo Hyeon - Phó Giám đốc quốc gia, ông Kim Sun-Tae, Chủ tịch Siloam Foundation, ông Choi Dong Ic, Phó Chủ tịch Siloam International và hơn 30 đại biểu đến từ Hàn Quốc cũng đã tham dự chương trình để chia vui cùng Hội.
Được sáng lập với mục tiêu tạo ra môi trường làm việc thân thiện và hòa nhập cho người khiếm thị, Cafe More không chỉ cung cấp những ly cà phê ngon mà còn mang lại cơ hội nghề nghiệp, giúp họ tự lập và khẳng định khả năng bản thân. Bên cạnh góp phần tạo việc làm cho các học viên, Cafe More còn nâng cao nhận thức của cộng đồng, khẳng định người khiếm thị hoàn toàn có thể làm việc với các ngành nghề khác nhau nếu được đào tạo và trao cơ hội.
Phát biểu khai mac, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cho biết: Mặc dù nghề pha chế đồ uống còn mới mẻ đối với người khiếm thị tại Việt Nam, nhu cầu ngày càng tăng về đồ uống và sự phù hợp của công việc với khả năng của người khiếm thị tạo nên tiềm năng lớn. Sự thành công của các khóa đào tạo trước đó và kinh nghiệm từ các quốc gia như Hàn Quốc, Mông Cổ, Indonesia càng thêm động lực cho Hội phát triển dự án, mở ra cơ hội nghề nghiệp mới, giúp người khiếm thị tự lập và hòa nhập xã hội. Trong khuôn khổ dự án, Trung tâm Đào tạo cán bộ Phục hồi chức năng cho người mù khai trương quán cà phê đầu tiên do người khiếm thị pha chế và phục vụ, với sự hợp tác của Siloam International và KOICA. Chúng tôi tin rằng, dự án sẽ mở ra cơ hội nghề nghiệp mới, giúp người khiếm thị Việt Nam nâng cao khả năng tự lập và hòa nhập xã hội. Những quán cà phê được mở không chỉ tạo việc làm, thể hiện năng lực của người khiếm thị mà còn là nơi kết nối người khiếm thị với cộng đồng và lan tỏa những giá trị tích cực
Quán Cafe More tọa lạc tại số 1 Nguyễn Thị Duệ, Cầu Giấy, Hà Nội, nổi bật với không gian thân thiện, ấm áp và tràn đầy sắc xanh, mang đến cảm giác thư thái và gần gũi cho mọi thực khách. Không chỉ là một địa chỉ cà phê thông thường, Cafe More còn là nơi thể hiện sự nỗ lực và đam mê của những bạn trẻ khiếm thị.
Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Đào tạo nghề pha chế đồ uống và tạo việc làm cho người khiếm thị tại Việt Nam” do Hội Người mù Việt Nam triển khai từ năm 2023 với sự hỗ trợ của tổ chức Siloam International từ nguồn kinh phí của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Mục tiêu của dự án là đào tạo 36 người khiếm thị thông qua 6 khoá học trong 3 năm từ năm 2024 - 2026 và mở 3 quán cafe, mang đến môi trường làm việc nhân văn và chuyên nghiệp, tạo thêm cơ hội việc làm bền vững cho người khiếm thị. Dự án được xây dựng và phát triển từ sự thành công của chương trình thí điểm đào tạo nghề pha chế đồ uống cho 6 học viên khiếm thị do Hội Người mù Việt Nam và tổ chức Siloam International thực hiện năm 2023.
Trong 2 năm 2023 và 2024, Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù đã tổ chức đào tạo nghề pha chế cho 12 học viên. Đây là lần đầu tiên người khiếm thị tại Việt Nam được tiếp cận với các khoá đào tạo nghề bài bản trong lĩnh vực này. Trải qua khoá đào tạo trong 16 tuần với đầy đủ kiến thức về lý thuyết và thực hành, các học viên đã được huấn luyện chuyên sâu về các kỹ năng pha chế từ cơ bản đến nâng cao cùng với các kỹ năng chăm sóc khách hàng và các kĩ năng xã hội khác, giúp họ có thể tự tin làm việc trong môi trường thực tế.
Để tiến tới khai trương quán Cafe More Hanoi, cùng với sự hỗ trợ của tổ chức Siloam International và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ một phần kinh phí cho việc sửa chữa cơ sở vật chất của quán, Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề pha chế đồ uống và khả năng của người khiếm thị, Trung tâm Đào tạo cán bộ và Phục hồi chức năng cho người mù đã tổ chức một buổi trải nghiệm pha chế đồ uống và một buổi thưởng thức đồ uống do chính các học viên khiếm thị pha chế. 200 khách mời đã được thưởng thức những ly cafe muối ngon đúng điệu, những ly sinh tố thơm ngon được trình bày bắt mắt, hấp dẫn…
Lê Anh Phương, nhân viên quầy pha chế quán CafeMore chia sẻ: Trải qua khoá học và suốt thời gian thực hành vừa qua, em thực sự thích nghề này và khi quán CafeMore đăng tuyển nhân viên em đã ứng tuyển và tham gia phỏng vấn ngay từ đầu. Em rất vui mừng vì mình đã được nhận vào đây để làm việc mặc dù công việc không hề dễ dàng nhưng em tin với kỹ năng mình đã được học và rèn luyện bấy lâu nay, em hoàn toàn có thể làm hài lòng khách hàng.”
Việc đào tạo nghề và tạo việc làm trong lĩnh vực pha chế đồ uống cho người khiếm thị không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các học viên mà còn tác động tích cực đến xã hội nói chung. Đối với các học viên, họ không chỉ được học một nghề mới mà còn được học các kĩ năng mềm, có cơ hội phát triển bản thân, cải thiện cuộc sống và tự lập về tài chính. Đồng thời, quán Cafe More cũng sẽ trở thành mô hình kinh doanh sáng tạo, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và góp phần nâng cao nhận thức xã hội về người khiếm thị.
Một số hình ảnh tại sự kiện