Việt Nam là một trong những quốc gia ở châu Á có tốc độ phát triển đô thị tăng nhanh nhất, tính đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa đạt gần 40% và số lượng đô thị là 862 với nhiều quy mô. Việc các khu đô thị mới hình thành nhanh sẽ mang đến một làn gió mới cho hệ thống đô thị Việt Nam, nhưng cũng là thách thức cho các đô thị cũ, đó là những đô thị thiếu tính nối kết không gian và không thống nhất về hình thái kiến trúc.
Việc không tuân thủ các quy định trong xây dựng khá phổ biến, trong khi bộ máy quản lý của Nhà nước chưa được chặt chẽ, thiếu sự hướng dẫn thực hiện, việc xử lý vi phạm lại chưa nghiêm minh, không kịp thời khiến bộ mặt đô thị khá lộn xộn, không hài hòa, thiếu tính thống nhất trong tổng thể hệ thống đô thị.
Bên cạnh đó, những tác động từ quá trình đô thị hóa đang làm phai nhạt dần những giá trị cốt lõi của làng - đơn vị cơ bản của tổ chức nông thôn đã được tích tụ và lưu truyền qua bao thế hệ, cùng với quá trình hiện đại hoá nông thôn, sinh hoạt văn hoá cộng đồng ở nhiều nơi ít nhiều đã bị mai một; việc trùng tu các công trình văn hoá, tín ngưỡng theo hướng hiện đại làm cho các công trình phần nào mất đi bản sắc; nhà ở nông thôn ở nhiều nơi cũng không còn giữ được bản sắc truyền thống trước đây.
Là địa bàn cư trú của cư dân nông thôn và sản xuất nông nghiệp, nông thôn còn đảm nhiệm chức năng bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa truyền thống, gìn giữ và khai thác các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị nhân văn và tài nguyên con người, các giá trị truyền thống lịch sử … Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Đứng trước thực trạng tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, công tác quản lý kiến trúc tại các đô thị và nông thôn - một trong những yêu cầu bức thiết nhằm hình thành bộ mặt đô thị và nông thôn hiện đại, đồng bộ, phát triển bền vững và tạo môi trường sống thuận lợi cho người dân đã được luật hóa. Theo quy định của Luật Kiến trúc năm 2019, quy chế quản lý kiến trúc được lập cho đô thị và các điểm dân cư nông thôn, đồng thời sẽ thay thế toàn bộ các quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đã được các địa phương xây dựng trước đây.
Theo Th.s/KTS Nguyễn Quốc Hoàng, Viện kiến trúc Quốc Gia, Bộ Xây Dựng, QCQLKTđược ban hành nhằm mục đích để kiểm soát việc xây dựng, khai thác, sử dụng công trình mới, công trình cải tạo đô thị trên địa bàn cả nước. Cũng như đưa ra quy định cụ thể trách nhiệm quản lý quy hoạch, kiến trúc của chính quyền các cấp. QCQLKT là cơ sở để xác lập nhiệm vụ quy hoạch, thiết kế đô thị đối với khu vực chưa có quy hoạch, thiết kế đô thị được duyệt; cấp phép quy hoạch, chứng chỉ quy hoạch; cung cấp thông tin quy hoạch; giấy phép xây dựng; là cơ sở để quản lý kiến trúc trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu xây dựng, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan đô thị và điểm dân cư nông thôn. Thông qua QCQLKT cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm hành chính về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị và nông thôn trên địa bàn đất nước ta, không những thế còn giúp kiểm soát việc xây dựng, chỉnh trang phát triển toàn đô thị.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển đô thị bền vững, đồng bộ, có môi trường sống và chất lượng đô thị tốt, có nền kiến trúc tiên tiến, giàu bản sắc, việc sớm xây dựng quy chế quản lý kiến trúc tại đô thị và nông thôn trên địa bàn cả nước là vô cùng quan trọng và cấp thiết, phù hợp với thực tế phát triển hiện tại và tương lai.
Văn Hiếu/ VP Tây Bắc