Theo thống kê của Bộ Y tế, trong tuần từ ngày 6-13/8/2024, cả nước ghi nhận 3.095 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng nhẹ so với tuần trước đó. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 52.957 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 6 ca tử vong. Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Sở Y tế thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch huy động mọi lực lượng, chủ động trong công tác phòng, chống dịch tại cộng đồng từ các cấp chính quyền đến người dân ở các xã, phường, thị trấn đồng thời triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi nhằm làm giảm chỉ số lăng quăng, mật độ muỗi trong thời gian ngắn nhất.
Kế hoạch chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chủ trì, phối hợp các Trung tâm Y tế quận, huyện triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch SXH tại địa phương; tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể; xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi; đảm bảo đầy đủ hóa chất, vật tư, phương tiện trong thời gian triển khai chiến dịch; phối hợp phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế tổ chức các đoàn công tác, kiểm tra, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch SXH, báo cáo kết quả thực hiện về phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế theo quy định.
Đồng thời, Kế hoạch yêu cầu Trung tâm Y tế các quận, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc lồng ghép các hoạt động vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh vào các hoạt động thường quy khác. Thường xuyên kiểm tra và xử lý các dụng cụ chứa nước không được bảo vệ hoặc không được hủy bỏ, gây nguy cơ tiềm tàng, thuận lợi cho sự sinh sản và phát triển của lăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình, nơi công cộng, nơi tập trung đông người như trường học, bệnh viện, đình, chùa, nhà thờ, bến xe, các chợ dân sinh… thông qua việc huy động lực lượng cộng tác viên, ban ngành, đoàn thể tích cực tham gia chiến dịch diệt lăng quăng, làm sạch từ trong cơ quan ra ngoài ngõ, ngoài đường vào chiều thứ 6 cuối tuần. Đối với hộ gia đình, phát động thực hiện vào các ngày 10, 20 và 30 hàng tháng.
Cùng với đó, Kế hoạch đề nghị các Sở, ban, ngành cùng phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; thông báo kịp thời về tình hình dịch bệnh, phương thức lây truyền, mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng ngừa để người dân biết cách tự phòng bệnh, chủ động đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ đồng thời tích cực tham ra vào các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng. Lồng ghép hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH trong hoạt động truyền thông của các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương, tăng cường truyền thông rộng rãi, chính xác để người dân không hoang mang, tự chủ tham gia phòng, chống dịch bệnh.