Trong công nghiệp chế biến thực phẩm, nước đá thường được sử dụng dưới nhiều dạng: đá cây, đá viên, đá vảy, đá tấm, v.v… Chúng đều được sử dụng để ướp đá thực phẩm trong quá trình chế biến.
Theo quy trình, chất lượng nước đá chịu tác động của rất nhiều yếu tố từ các thành phần trong nước, phương pháp làm lạnh. Để sản xuất đá bắt buộc phải sử dụng nguồn nước chất lượng tốt thỏa mãn các điều kiện sinh hóa. Trong quá trình tách các thành phần này các chất hữu cơ lơ lửng trong nước cũng đọng lại với các hợp chất cacbonat. Quá trình tách các hợp chất cacbonat kết tủa có thể thực hiện bằng cách lọc.
Sử dụng vôi sống không khử được ion sắt nên thường cho ngậm khí trước lúc lọc, ion sắt kết hợp CO2 tạo kết tủa dễ dàng lọc để loại bỏ. Có thể lọc nước bằng cát thạch anh hay bằng nhôm sunfat. Phương pháp này không những đảm bảo làm mềm nước, tích tụ các hợp chất hữu cơ và vôi mà còn chuyển hóa Bicacbonat thành Sunfat, làm giảm độ dòn của đá. Vì thế có thể hạ nhiệt độ cây đá xuống thấp mà không sợ bị nứt. Về lí thuyết thì là như vậy nhưng trên thực tế, do nhu cầu sử dụng đá cây vào mùa hè tăng cao nên nhiều cơ sở sản xuất đá không đảm bảo chất lượng dẫn tới những nguy hại khó lường cho người sử dụng.
Trước thực tế trên, Bộ Y tế đã cảnh báo, người dân không nên sử dụng đá cây không nguồn gốc vì nguy cơ mắc tiêu chảy cấp từ đá nhiễm khuẩn là rất lớn.
Theo quy định của Bộ Y tế, đá cây chỉ được sử dụng để ướp lạnh trái cây, thực phẩm chứ không được sử dụng trong nước uống, giải khát. Người sản xuất, người bán đá cây cũng vẫn khẳng định đá cây được bán dành cho những người ướp lạnh thực phẩm nhưng thực tế đá cây được sử dụng thế nào thì còn tùy thuộc người mua. Ngay cả loại đá viên đựng trong túi riêng từ 2kg - 5kg được coi là đá sạch, đá tinh khiết thì vẫn là đá cây được chặt nhỏ thành từng túi con và cùng chung nguồn sản xuất từ nước lã như đá cây.
Nhiều quán giải khát vỉa hè đều mua đá cây về tự “chế biến”, đóng vào các khay đá, bình đá và khi mang ra cho khách hàng vẫn quảng cáo là “đá từ nước máy, đá viên siêu sạch".
Về vấn đề này, trước đó Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương cũng đã xét nghiệm và tìm thấy vi khuẩn tả có trong nước giếng, hồ ao. Nhưng đấy lại là nguyên liệu sản xuất đá của nhiều cơ sở sản xuất nước đá tư nhân tại làng Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội. Trước đó Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành xét nghiệm 93 mẫu nước đá của 31 cơ sở sản xuất nước đá viên và 72 cơ sở sản xuất nước đá cây. Kết quả đã phát hiện 17 mẫu nước đá bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn gây bệnh đường ruột trong đó có Ecoli. Qua xét nghiệm mẫu nước rửa dụng cụ của một cơ sở sản xuất đá viên còn phát hiện nguồn nước rửa nhiễm Coliform Feacal, một loại vi khuẩn từ phân người cao gấp 400 lần so với tiêu chuẩn.
Còn theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, đá lạnh dưới 00C cũng không có tác dụng diệt khuẩn. Trong phòng thí nghiệm, người ta vẫn làm đông lạnh nhằm bảo tồn các loại vi khuẩn. Để tránh lây nhiễm tả, người dân phải làm và sử dụng nước đá bằng nước sạch đã qua khử khuẩn. Nếu nước đá nhiễm tả, vi khuẩn có thể tồn tại từ vài tuần đến vài tháng.
Do đó, để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng, người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ nên mua đá tại các cơ sở sản xuất nước đá dùng liền được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP và được công bố hợp quy, cơ sở có xét nghiệm định kỳ về nguồn nước sử dụng và sản phẩm nước đá theo quy định. Ngoài ra, người tiêu dùng lưu ý chọn mua đá sạch, dùng trong ăn uống là loại đá phải được đựng trong bao bì kín, hợp vệ sinh, có đầy đủ nhãn mác, tên nhà sản xuất.
Một số cách phân biệt đá sạch và bẩn qua các dấu hiệu sau:
Màu sắc
Nếu thấy đá có dấu hiệu màu hơi đục, và có chứa nhiều bọt khí, có mùi lạ, thậm chí là còn vương vật thể như nilon, hay bụi bẩn, thì đó đích thị là đá bẩn được sản xuất từ nguồn nước kém chất lượng. Đá tinh khiết thì ngược lại, chúng có màu sắc trong vắt như pha lê, không có mùi lạ hay cặn bẩn.
Độ hòa tan
Đá tinh khiết là đá có độ hòa tan lâu hơn, vì các thành phần được làm lạnh sâu, và nhờ cấu tạo chắc chắn của khối nước. Còn đá bẩn có lẫn nhiều tạp chất, nên thời gian hấp thụ nhiệt của các phân tử khác nhau, liên kết giữa nước với nước lỏng lẻo hơn, vì vậy nhanh tan hơn hẳn.
Kích thước sản xuất
Hầu hết những địa chỉ chuyên sản xuất đá sạch để dùng cho ăn uống chỉ bán các túi đá với kích thước nhỏ, khoảng 5- 5,5kg. Các viên đá hầu hết cũng đã được định hình rõ ràng để có thể sử dụng ngay khi xé bao bì. Đá sản xuất dưới dạng viên hoặc dạng ống, vì sử dụng nguồn nước sạch hơn kèm hệ thống lọc, nên mỗi mẻ sẽ không làm được quá nhiều. Trong khi đó, đá bẩn lại thường được sản xuất với những mẻ lớn cả về kích thước và khối lượng, hoặc nếu có sản xuất với khuôn nhỏ thì các thông số cũng như địa chỉ trên bao bì không rõ ràng, nhòe nhoẹt.
Bảo An (t/h)