Cảnh báo nhiều thủ đoạn lợi dụng dịch COVID-19 để lừa đảo

Mới đây, công an TP.HCM phát đi thông báo khuyến cáo người dân đề phòng chiêu lừa đảo của tội phạm công nghệ cao nhắm vào những người dương tính với Covid-19.

Thời gian qua, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Tổng đài Sở Y tế thành phố ghi nhận phản ánh của người dân về việc một số đối tượng tự xưng là nhân viên của Trung tâm Kiểm soát dịch COVID-19 gọi điện thoại yêu cầu người bị dương tính với COVID-19 gặp mặt làm việc, đề nghị chuyển tiền để không bị đưa đi cách ly.

Theo đó, một số đối tượng tự xưng là nhân viên của Trung tâm kiểm soát dịch Covid-19 gọi điện thoại yêu cầu chuyển tiền để không bị đưa đi cách ly. Các đối tượng này sử dụng điện thoại di động với các đầu số không xác định như +18444 1265410, +18445 3440501…Đây là thủ đoạn giả danh nhân viên y tế để hù dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Cảnh báo nhiều thủ đoạn lợi dụng dịch COVID-19 để lừa đảo  - Ảnh 1

Công an TP.HCM đề nghị khi gặp trường hợp như trên, người dân báo ngay cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ, xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, Công an TPHCM tiếp tục đề nghị người dân cảnh giác với các thủ đoạn gọi điện thoại lừa đảo qua điện thoại.

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo, tội phạm công nghệ cao yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp **21*#. Tuy nhiên, cú pháp **21*# thực chất là cú pháp chuyển hướng cuộc gọi (Call Forward) - dịch vụ của các nhà mạng như Mobifone, Vinaphone, Vietnamobile cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại nội mạng hoặc ngoại mạng. Sau đó, các đối tượng sẽ thao tác đăng nhập ứng dụng ví Momo của nạn nhân từ xa. Tổng đài Momo sẽ gọi để cung cấp mã OTP, tuy nhiên cuộc gọi này chuyển hướng đến số điện thoại của đối tượng. Từ đó kẻ xấu chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví.

Kẻ xấu cũng có thể yêu cầu khách hàng nhắn tin theo cú pháp DS gửi 901. Đây là cú pháp đổi sim điện thoại qua phôi sim trắng theo phương thức nhắn tin (SMS). Sau đó, kẻ xấu sẽ nhắn tin lừa đảo rằng giúp người dùng nâng cấp sim điện thoại thành SIM 4G, 5G. Các đối tượng này yêu cầu người dùng nhắn tin theo cú pháp trên. Khi thao tác thành công, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát sim vì sim của đối tượng lừa đảo trở thành sim "chính chủ" và truy cập vào ứng dụng ví điện tử, ứng dụng thanh toán online để chiếm đoạt tiền.

Liên quan đến hành vi lừa đảo mùa dịch, Công an TP.Hà Nội từng khuyến cáo, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người có nhu cầu vay tiền. Đánh vào tâm lý muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện, các đối tượng đã tạo lập các app vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Do vậy, người dân cần cảnh giác, không cài đặt các app vay tiền online hoặc vay tiền qua mạng xã hội. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn.

Với các cuộc gọi mạo danh, Công an TP.Hà Nội khẳng định nếu làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, không có chuyện yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cung cấp mã OTP để phục vụ điều tra.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Facebook…) và không truy cập vào đường link với nội dung giả mạo ngân hàng. Mọi người cũng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, SmartBanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này; tuyệt đối không cung cấp, không nhập mã OTP cho bất kỳ ai để tránh mắc bẫy…

Bên cạnh các hình thức lừa đảo trên thì cũng còn có hiện tượng các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, giả danh các bác sĩ tư vấn online để bán thiết bị, thuốc điều trị COVID-19. Những đối tượng này dùng nick facebook giả và giới thiệu là bác sĩ chuyên môn, liên tục đưa ra những hậu quả lâu dài sau điều trị để người bệnh lo sợ, sau đó chào mời mua các loại máy đo SpO2, máy đo nhịp tim và một số loại thuốc kháng virus. Tuy nhiên, khi bị người bệnh nghi ngờ, kẻ giả mạo sẽ xóa bình luận trong bài viết.  Để tránh gặp trường hợp này, người bệnh, người nhà bệnh nhân cần xem kỹ các bài viết giới thiệu thông tin, số điện thoại bác sĩ trong nhóm bác sĩ quân y để có thể liên lạc. Không nói chuyện, chia sẻ thông tin với những đối tượng tự xưng là bác sĩ bệnh viện. Người bệnh cần cập nhập các thông tin về COVID-19 từ các trang web chính thống từ các cơ quan nhà nước như Sở Y tế, Bộ Y tế và các bệnh viện uy tín hay những bác sĩ có thông tin rõ ràng.

Bảo Anh