Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo lấy thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản

Theo Công an thành phố Hà Nội, thời gian gần đây đang xuất hiện nhiều hành vi lừa đảo thông qua mạng xã hội trên môi trường internet.

Theo Công an thành phố Hà Nội, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng một số đối tượng sử dụng các ứng dụng, tài khoản mạng xã hội trên môi trường mạng internet để nhắn tin chào mời mua bán hàng hóa, sau đó yêu cầu người dân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.

Thay vì những chiêu trò “dụ dỗ” người bị hại cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng như trước thì các đối tượng đang chuyển sang phương thức cung cấp cho người dân các phần mềm ứng dụng có khả năng kiểm soát thiết bị di động để chúng dễ dàng khống chế nạn nhân. Các ứng dụng có khả năng kiểm soát thiết bị của người dùng (remote applications) như: Any Desk, Teamviewer, AirMirror... đều được các hãng sản xuất điện thoại trên thế giới hiện nay chấp nhận cho tải xuống.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo lấy thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản - Ảnh 1

Đây là các ứng dụng miễn phí, hỗ trợ điều khiển điện thoại, máy tính, máy tính bảng từ xa, dễ dàng cài đặt, truyền dữ liệu giữa các thiết bị và không bị các phần mềm diệt virus hoặc các hệ điều hành như IOS, Andoird chặn quyền truy cập. Người dùng chỉ cần tải về để sử dụng và cung cấp địa chỉ truy cập của điện thoại (dãy số có sẵn trong các phần mềm remote được cố định tại các điện thoại đã cài phần mềm) cho người cần điều khiển là ngay lập tức điện thoại của người đó sẽ được kiểm soát hoàn toàn (bao gồm từ các cuộc gọi cho đến tin nhắn, thông báo trong điện thoại).

Lợi dụng vào khả năng truy cập, điều khiển thiết bị di động từ các ứng dụng remote nêu trên, các đối tượng sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản đã chuyển hướng tiếp cận "nạn nhân" thông qua các phương thức như: giả làm nhân viên của tổ chức tín dụng để tư vấn cho người dân tham gia sử dụng các dịch vụ của các tổ chức tín dụng; giả làm người có nhu cầu mua hàng hóa, dịch vụ cụ thể (mua hàng online, tư vấn sức khỏe, đăng ký quảng cáo trên các website thương mại điện tử); giả làm người thân ở nước ngoài nhắn tin qua các ứng dụng OTT (Facebook, Zalo, Viber,...) để nhờ chuyển khoản, mua bán hàng online.

Sau khi đã tạo được niềm tin thì “nạn nhân” sẽ tự nguyện cài đặt các ứng dụng cho phép điều khiển thiết bị di động và các đối tượng yêu cầu phải cấp quyền truy cập cho ứng dụng đó. Do chủ yếu các ứng dụng này đều ghi thông tin bằng tiếng nước ngoài nên nhiều người không biết, dẫn đến việc thiết bị di động bị kiểm soát mà không hề hay biết.

Khi các thiết bị di động đã bị điều khiển thì các đối tượng sẽ liên tục gọi điện thông qua các ứng dụng liên lạc Messenger, Zalo, Viber… để đánh lạc hướng, câu kéo thời gian của “nạn nhân” nhằm lấy thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP để chiếm đoạt tài sản. Chỉ đến khi “nạn nhân” nhận thấy tài khoản ngân hàng của mình bị trừ tiền mới phát hiện ra thì đã muộn.

Trước tình trạng này, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân không chia sẻ, cung cấp các thông tin về tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai; không truy cập, sử dụng các website, ứng dụng phần mềm chưa được kiểm chứng về mức độ an toàn trên môi trường mạng internet. Bên cạnh đó, người dân cần cảnh giác đối với các tin nhắn của người lạ từ các ứng dụng giao tiếp trên không gian mạng. Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu nghi vấn về tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản, người dân cần thông báo cho Cơ quan nơi gần nhất để được hỗ trợ.

Bảo An