Theo Cục An toàn thông tin, đối với hình thức lừa đảo “lấy lại tiền bị lừa” đang tràn lan trên mạng xã hội, người dân cần đặc biệt lưu ý và tìm hiểu những dấu hiệu để nhận biết và phòng tránh kịp thời. Cụ thể, các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc các thông tin liên hệ.
Đối tượng lừa đảo chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền”, “cam kết lấy lại được tiền bị lừa”, bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác. Sau khi được người dùng liên hệ, các đối tượng sẽ nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất.
Tiếp đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa đảo và chuyển khoản thành công “tiền phí dịch vụ”. Tuy nhiên, ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Khi nạn nhân thắc mắc thì đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin vào hình thức “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” trên mạng xã hội. Cần tìm hiểu về công ty hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ; xác minh địa chỉ văn phòng, số điện thoại, và trang web chính thức của họ.
Không tin tưởng dịch vụ yêu cầu thanh toán trước các khoản phí. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trường hợp trên, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc cơ quan điều tra để được hỗ trợ và xử lý theo pháp luật.
Lừa đảo bán thuốc đặc trị trên mạng
Mới đây, một nạn nhân đã mua thuốc Đông y điều trị bệnh xương khớp từ một đối tượng giả mạo bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Quân đội. Tuy nhiên, sau khi sử dụng nạn nhân xuất hiện các triệu chứng bệnh bất thường.
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo này là hoạt động theo hội nhóm, đồng thời tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, đăng bài quảng cáo về các loại thuốc "thần dược" với giá cao. Trong đó, nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn.
Bên cạnh những đối tượng tự xưng là "nhân viên tư vấn", sẽ có đối tượng khác có nhiệm vụ giả danh bác sĩ tại các bệnh viện Trung ương để chẩn đoán và cấp thuốc. Những loại thuốc này có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng, với các công dụng khác nhau như: thuốc phòng chống bệnh ung thư, thuốc giảm tác dụng hóa trị, xạ trị ung thư… nhưng thực chất là các loại thuốc giá rẻ với thành phần không rõ nguồn gốc.
Tinh vi hơn, các nhóm đối tượng này còn thực hiện chiêu trò "giảm giá" cho người già, người nghèo, người bệnh nặng, nhằm đánh vào tâm lý thích khuyến mãi của một số bộ phận người tiêu dùng.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân tuyệt đối không thực hiện mua bán trên mạng xã hội, đặc biệt là đối với các loại thuốc đặc trị không rõ nguồn gốc. Người dân khi có bệnh, cần đến bệnh viện để trực tiếp thăm khám và mua thuốc dưới sự tư vấn và chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối cảnh giác với quảng cáo thuốc hứa hẹn chữa trị nhanh chóng các bệnh nghiêm trọng hoặc cung cấp kết quả thần kỳ mà không có bằng chứng rõ ràng. Tìm hiểu về nhà sản xuất và thuốc qua các nguồn thông tin đáng tin cậy như trang web của cơ quan quản lý dược phẩm hoặc các tổ chức y tế.
Lừa đảo xuất khẩu lao động, du lịch miễn thị thực
Lợi dụng nhu cầu đi lao động nước ngoài, du lịch Hàn Quốc của người dân, đối tượng đã tạo lập tài khoản mạng xã hội, đăng thông tin tìm người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc, du lịch không cần visa tại đảo Jeju (Hàn Quốc). Bằng thủ đoạn tinh vi, đối tượng chiếm đoạt tiền của 10 người với số tiền hơn 747 triệu đồng.
Cụ thể, đối tượng tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo, tham gia vào các hội nhóm để tìm những người có nhu cầu mua vé máy bay và làm visa đi nước ngoài. Đối tượng chào mời nạn nhân và hứa hẹn cấp visa trong thời gian rất ngắn hoặc đảm bảo tỷ lệ thành công cao mà không cần kiểm tra hồ sơ cẩn thận.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết về quy trình làm visa của một bộ phận người dân, đối tượng yêu cầu cung cấp những thông tin không cần thiết, hay yêu cầu chuyển khoản trước những khoản phí không rõ ràng.
Sau khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng sẽ không liên hệ với cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào làm thủ tục mà thực hiện hành vi chiếm đoạt.
Ngoài ra, để tránh bị phát hiện hành vi lừa đảo, đối tượng còn truy cập vào trang web Abay.vn, nhập thông tin cá nhân của nạn nhân đăng ký mua vé máy bay đi Hàn Quốc rồi chụp lại hình ảnh, gửi cho bị hại để tạo niềm tin. Do nạn nhân không thanh toán vé nên trong 24h vé máy bay tự hủy.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần kiểm tra tính xác thực và thông tin của đối tượng, công ty dịch vụ mà mình liên hệ. Chỉ làm visa thông qua các đại lý hoặc dịch vụ làm visa được chứng nhận, có địa chỉ văn phòng cụ thể và thông tin liên hệ rõ ràng. Tuyệt đối không truy cập vào những đường link lạ, chủ động tìm kiếm và truy cập vào trang web của cơ quan lãnh sự, đại sứ quán hoặc các tổ chức chính thức để tìm hiểu quy trình làm visa. Không tin vào các dịch vụ hứa hẹn cấp visa nhanh chóng hoặc đảm bảo tỷ lệ thành công cao mà không cần kiểm tra hồ sơ kỹ lưỡng.
Lợi dụng công cụ bảo vệ bản quyền thương hiệu để đe dọa, tống tiền
Mới đây, tập đoàn công nghệ Meta đã đưa ra lời cảnh báo về hành vi lừa đảo thông qua công cụ bảo vệ bản quyền thương hiệu trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Cụ thể, một số lượng lớn người dùng Facebook báo cáo rằng các nội dung mà họ tạo ra và đăng tải đã bị gỡ xuống vì lý do vi phạm bản quyền. Sau đó họ nhận được các tin nhắn đến từ các công ty, tập đoàn lớn , yêu cầu truy cập vào các đường link hoặc đóng các khoản phí nhất định để phục hồi các nội dung trên, nếu không sẽ bị xóa vĩnh viễn.
Các đối tượng lừa đảo sẽ chủ động tìm kiếm các video có nội dung tương tự nhau hoặc tự tạo ra các video bằng trí tuệ nhân tạo nhằm đánh dấu bản quyền người dùng. Sau đó, các đối tượng liên hệ với nạn nhân thông qua email hoặc các nền tảng mạng xã hội; yêu cầu nạn nhân truy cập vào các đường link để cung cấp thông tin cá nhân nhằm xác thực quyền sở hữu hoặc đóng các khoản phí để được phục hồi và tiếp tục sử dụng nội dung bị tố cáo.
Thông thường, các tin nhắn sẽ đến từ địa chỉ email không chính thống hoặc giả mạo, chứa đựng các ký tự thừa hoặc văn phong bất thường. Bên cạnh đó, các đường dẫn được đính kèm trong tin nhắn thường chứa đựng các web lạ với giao diện sơ sài, font chữ bị lỗi và được chèn nhiều quảng cáo.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dùng, đặc biệt là những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội đề cao cảnh giác trước các tin nhắn đe dọa tống tiền. Khi nhận thấy các nội dung bị gỡ xuống vì lý do vi phạm bản quyền, người dùng cần liên hệ với đội ngũ nhân viên hỗ trợ của nền tảng mà mình sử dụng để xử lý vấn đề. Kiểm tra kỹ địa chỉ email.
Tuyệt đối không truy cập vào các đường link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền cho bất kỳ đối tượng nào.
Tiến Hoàng (t/h)