Theo đó, Trong năm 2022, công ty mẹ của GVR thu về 3.845 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.730 tỷ đồng, lần lượt vượt kế hoạch năm 7,4% và 43%.
Sang năm 2023, mục tiêu doanh thu công ty mẹ GVR đạt 3.792 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.395 tỷ đồng, giảm lần lượt 1,38% và 19,39% so với năm 2022. Doanh thu và lợi nhuận hợp nhất của GVR đạt lần lượt 27.527 tỷ đồng và 4.264 tỷ đồng, giảm 2,76% và 10,29% so với năm 2022.
Về kế hoạch phân chia lợi nhuận, năm 2022 GVR dự kiến chia cổ tức công ty mẹ với tỷ lệ 3,5%/vốn điều lệ, tương ứng 1.400 tỷ đồng. Năm 2023, công ty mẹ dự kiến sẽ giảm tỷ lệ chia cổ tức xuống còn 3% (tương ứng 1.200 tỷ đồng).
GVR cho biết, năm 2023 theo dự báo có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn. Các lĩnh vực công nghiệp cao su, thuỷ điện, gỗ được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức trong khi khối các công ty khu công nghiệp hoạt động khá thuận lợi, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, chia cổ tức cho các cổ đông/Tập đoàn cao.
Dù vậy, các doanh nghiệp KCN của tập đoàn hiện quy mô nhỏ và hiện nay cơ bản đã hết quỹ đất sạch để cho thuê nên việc gia tăng nguồn thu, tạo đà tăng trưởng đột biến trong năm kế hoạch sẽ rất khó khăn.
Hiện giá bán mủ cao su (sản phẩm chính của ngành) liên tục suy giảm và khó tiêu thụ. Khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn và không có khả năng tăng trưởng do giới hạn về công suất thiết kế, chịu sự cạnh tranh lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Khối thủy điện tuy hoạt động thuận lợi nhưng quy mô nhỏ, giới hạn bởi công suất thiết kế, nguồn nước, giờ phát điện (phụ thuộc vào khách hàng) nên khu vực này dự báo sẽ có tăng trưởng so với kế hoạch được giao nhưng không lớn.
Khối các công ty khu công nghiệp hoạt động khá thuận lợi nhưng quy mô nhỏ và hiện nay cơ bản đã hết quỹ đất sạch để cho thuê. Do vậy, việc gia tăng nguồn thu, tạo đà tăng trưởng đột biến trong năm kế hoạch sẽ rất khó khăn.
Gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su tuy đem lại nguồn thu/lợi nhuận khá lớn cho các công ty cao su khi thực hiện thanh lý vườn cây và các công ty chế biến gỗ trong GVR. Tuy nhiên dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn. Chính vì vậy, GVR dự báo nhu cầu, giá bán chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn…
Trước những khó khăn trên, để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, GVR cho biết sẽ bám sát kế hoạch khối lượng năm 2023 của các đơn vị thành viên, đặc biệt tại 5 lĩnh vực lớn gồm nông nghiệp, công nghiệp, công nghiệp cao su, chế biến gỗ và thủy điện, nhằm đảm bảo nguồn thu ngay cả khi giá bán có sự suy giảm…
Bên cạnh đó, về hoạt động kinh doanh, trong quý I/2023, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 4.135,2 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 755,68 tỷ đồng, giảm 42,6% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 30% về còn 24,3%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 31,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 464,3 tỷ đồng, về 1.005,9 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 29,7%, tương ứng tăng thêm 52,9 tỷ đồng, lên 231,1 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm nhẹ 1,7%, tương ứng giảm 2,5 tỷ đồng, về 142,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 2,7%, tương ứng tăng thêm 12,56 tỷ đồng, lên 471,22 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quý I/2023, lãi công ty liên doanh, liên kết ghi nhận lỗ 11,14 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 52,81 tỷ đồng, tức giảm 63,95 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 16,4% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 65,87 tỷ đồng, về 336,1 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết nguyên nhân khoản mục lãi/lỗ công ty liên doanh, liên kết ghi nhận âm so với cùng kỳ dương là do CTCP Gỗ MDF VRG – Dongwha ghi nhận lỗ 11,85 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 53,88 tỷ đồng.
Tiến Hoàng